Trung Quốc, cái gì cũng rẻ, kể cả tin tức

Thứ Ba, 14 tháng 9, 2010 |

Tân Hoa Xã hoạt động theo cách mà các nhà máy trung ương Trung Hoa từng làm với những sản phẩm như trang sức, quần áo: nhái hàng hóa với giá siêu rẻ mà không ai có thể bì kịp.

Một "cái loa truyền thông" đắt đỏ...

Trang tin này có đầy đủ những cạm bẫy mà một tờ báo đình đám trên toàn thế giới phải có: tần suất xuất hiện dày đặc (trên Google, BBC), chủ đề nặng ký ("kỷ nguyên số"), và luôn được các nhân vật cấp cao nhắc đến.

Rupert Murdoch, tổng giám đốc News Corp đã từng thề sẽ đấu tranh đến cùng với tờ báo này về việc "chống ăn cắp nội dung". Nhưng dù tên tuổi có đầy tai tiếng như vậy, Tân Hoa Xã vẫn là cơ quan ngôn luận đại diện cho Trung Quốc. Và khi mà quốc gia hùng mạnh này ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế thì chuyện cứ tảng lờ sự có mặt của Tân Hoa Xã sẽ chẳng phải là ý kiến khôn ngoan.

Trong nhiều thập kỷ qua, Tân Hoa Xã đã xây dựng được hình ảnh không thể thiếu ở Trung Quốc. Tờ báo này được độc quyền đăng những thông tin chính thức và có quyền năng về mặt pháp lý để đè bẹp những kênh truyền thông khác. Tuy nhiên, khi Trung Quốc bắt đầu đạt được tầm cỡ quốc tế và người Bắc Kinh bắt đầu cảm thấy chán vì cứ bị truyền thông phương Tây săm soi, chê bai, thì vai trò của Tân Hoa Xã đã được định nghĩa lại.

Hãng tin 80 tuổi này trở thành cái khiên của Trung Quốc nhằm chống đỡ búa rìu của báo chí phương Tây. Riêng trong năm ngoái, Tân Hoa Xã thành lập một trạm tin tiếng Anh hoạt động suốt 24h/ngày và chiếm giữ cả một tòa nhà chọc trời nằm ngay trên quảng trường Thời Đại ở New York. Hãng còn thông báo mở rộng mạng lưới thu thập tin tức của mình từ 120 văn phòng lên 200 văn phòng với 6.000 phóng viên ở nước ngoài.

Mới đây, chẳng chịu kém cạnh các đồng nghiệp phương Tây, Tân Hoa Xã phát hành một ứng dụng trên iPhone với các mục "tin tức, hoạt hình, thông tin tài chính và chương trình giải trí trong ngày."

Tân Hoa xã - hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, ngày 1/7 đã chính thức khai trương kênh truyền hình vệ tinh toàn cầu СNC World phát sóng bằng tiếng Anh. (Nguồn: news.xinhuanet.com)
Với giá trị ước tính hàng tỉ đôla, Tân Hoa Xã bây giờ là một "cái loa truyền thông" đắt đỏ. Tuy nhiên, ông Lý Tòng Quân, chủ tịch của hãng cho rằng vai trò chủ chốt của nó là "đập tan khả năng độc quyền và bá đạo" của báo chí phương Tây.

Mặc dù không công bố một cách chính thức nhưng Bắc Kinh đã thay đổi cuộc chơi tuyên truyền của mình. Nếu như trước đây họ luôn kìm nén thông tin thì giờ đây lại tìm cách tung thông tin ra tràn ngập thị thường.

... nhưng giá tin tức lại rất "phải chăng"

Thách thức lớn nhất là tìm ra độc giả cho những "tin tức" vốn đã rất mang tiếng vì có quá nhiều điểm mù này. Nhưng dù thế nào đi nữa, Tân Hoa Xã vẫn có thể trở thành tương lai của ngành công nghiệp tin tức với một lý do rất dễ hiểu: giá cả.

Tân Hoa xã
Hầu hết các hãng tin đều đã phải rút lui khỏi thương trường, giải tán các chi nhánh và cắt giảm nhân viên trong thời buổi khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, tờ báo từng được gọi là "Tin tức Hồng quân Trung Hoa" này không hề lo lắng về những khó khăn khi tìm kiếm lợi nhuận.

Tân Hoa Xã hoạt động theo cách mà các nhà máy trung ương Trung Hoa từng làm với những sản phẩm như đồ trang sức và quần áo: họ nhái hàng hóa với giá siêu rẻ mà không một ai có thể bì kịp.

"Điều này cố nhiên đem lại cho họ một lợi thế cạnh tranh rất lớn," Tuna Amobi, một nhà phân tích truyền thông của tạp chí Standard & Poor's nhận xét. Ông luôn cho rằng những "mặt hàng" tin tức vô cùng rẻ của Tân Hoa Xã "có thể bay xa".

Một hợp đồng mua báo dài hạn cho tất cả tin tức của Tân Hoa Xã chỉ có giá 5 con số, quá rẻ so với chi phí ít nhất là 6 con số để có thể truy cập vào các thông tin tương tự của các hãng như Associated Press, Reuters hay AFP.

Đối với những khách hàng có túi tiền quá eo hẹp, Tân Hoa Xã còn có chương trình trợ giúp cung cấp mọi thứ - từ nội dung, thiết bị đến kỹ thuật - mà không lấy xu nào.

Đây là thỏa thuận vô cùng hấp dẫn đối với các nước ở Trung Đông, Châu Phi, và thế giới thứ ba, nơi mà ngành kinh doanh ấn phẩm báo chí đang phất và luôn có một khao khát cho một góc nhìn bên ngoài phương Tây.

Tân Hoa Xã hoạt động ở những khu vực mà chưa có công ty đánh giá nào để mắt đến, vì vậy rất khó để tính được lượng độc giả của nó. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, trang tin này đã ký nhiều hợp đồng béo bở với các đại lý quốc gia của Cuba, Mông Cổ, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nigeria, Zimbabwe..., trở thành nguồn tin số một cho khu vực Châu Phi và phần lớn Châu Á, ngày càng bành trướng hơn tất cả các hãng tin khác ở các lục địa đó.

Ông Orville Schell, giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung tại Hiệp hội Châu Á ở New York cũng phải thừa nhận: "Họ thực sự có mặt khắp nơi".

Tất nhiên, các tin tức chỉ thật sự hữu ích khi nó không có liên quan gì tới Trung Quốc vì lúc đó Tân Hoa Xã sẽ không thiên vị.

Trang web Tân Hoa xã

"Tôi đọc khá nhiều", Daniel Bettini - một biên tập viên nước ngoài cho tờ báo lớn nhất Israel, Yedioth Ahronoth - cho biết. Các nhà báo ở Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ cũng khen ngợi Tân Hoa Xã vì sự đơn giản và chất lượng thì ngày càng cải thiện.

"Trong Chiến tranh vùng Vịnh II tờ báo đã đưa tin rất tốt," một cộng tác viên Trung Hoa cho hãng tin quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Kamil Erdogdu, nói. "Họ luôn có tin tức mới nóng và tôi lấy lại của họ nhiều lần".

Hãng tin AFP và PressPhoto của Châu Âu gần đây đã chấp nhận bán các loạt ảnh của Tân Hoa Xã trên toàn thế giới. Họ tin rằng, việc kiểm duyệt không làm ảnh hưởng đến chất lượng của hình ảnh vào video và tốc độ đưa tin là rất quan trọng. Hơn thế nữa, "nếu bạn thấy một nguồn video thực sự tốt, đáng tin cậy, và giá rẻ, bạn sẽ dùng nó", Jim Laurie, cựu phóng viên của ABC và NBC nhận xét.

Cho đến lúc này, một số ông lớn như AP, AFP vẫn chưa lên tiếng nhận xét về người anh em châu Á của mình. Song Reuters và nhiều nhà phân tích truyền thông đều chia sẻ quan điểm rằng thành công của Tân Hoa Xã ở các thị trường mới nổi chỉ là thoáng qua, một bước chuyển giao cho đến khi các hãng tin tư nhân có đủ điều kiện để tiếp xúc với những nguồn tin có chất lượng tốt hơn. Vấn đề lớn nhất của tờ báo là cách đưa tin tẻ nhạt. Trên thực tế, ngay cả các quan chức chính phủ cũng thích đọc báo chí phương Tây hơn.

Vân Anh dịch theo Newsweek - Vietnamnet

0 comments:

Đăng nhận xét

Người theo dõi