Phần lớn hàng giá rẻ Trung Quốc về đến Hà Nội đều được dán nhãn made in Việt Nam hoặc made in Hong Kong hay made in Đài Loan để làm “sang” trong các shop, hoặc công khai giá “siêu rẻ” ở chợ thu hút khách hàng bình dân.
Chợ đầu mối Long Biên và ga Long Biên hiện có thể coi là những “trạm” trung chuyển hàng Trung Quốc lớn nhất ở Hà Nội. Và tàu hoả cũng là con đường chính mà hàng hoá Trung Quốc từ các cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai tràn về Hà Nội. Từ các “trạm” trung chuyển đó, giới cửu vạn sẽ giao hàng đến các đầu mối tiêu thụ lớn để “mông má” trước khi ra thị trường.
Phân phối hàng lậu
Còn nhớ, ngày 6.1, ngay tại ga Gia Lâm, gần trung tâm quận Long Biên của thủ đô Hà Nội, các lực lượng chức năng Hà Nội đã có cuộc vây ráp với quy mô lớn các lực lượng cảnh sát cơ động, công an kinh tế, tạm giữ bốn toa tàu nghi chở toàn hàng lậu trên đoàn tàu từ Đồng Đăng về Hà Nội. Cuộc vây ráp rất khó khăn vì đã có hàng trăm người không biết từ đâu đã kéo tới, ném gạch đá, tấn công cả công an, cảnh sát cơ động với ý đồ cướp hàng, làm nhiều cảnh sát bị thương. Tuy nhiên, việc khẳng định đây là hàng lậu hay không cho đến nay vẫn chưa được công bố. Có nguồn tin cho rằng, có những lô hàng trước khi bị giữ, đã được hợp pháp hoá bằng những bộ hoá đơn mua sẵn của những doanh nghiệp không tên tuổi.
Hàng Trung Quốc về đầu mối trung chuyển Long Biên để vào nội thành
thường được đóng trong bao tải
Không chỉ ở chuyến tàu này, hàng ngày, luôn có một khối lượng lớn hàng hoá có nhiều dấu hiệu là hàng nhập lậu được hợp pháp hoá bằng hoá đơn, giấy tờ, nhiều khi là giả mạo được chuyên chở theo phương tiện đường sắt về Hà Nội. Chúng được “hạ tải” dọc đường sắt khi vào gần đến ga Gia Lâm, sau đó, đội quân cửu vạn sẽ dùng xe ôm, xe tự chế chuyển tiếp về chợ đầu mối Long Biên hoặc các đại lý trong nội thành.
Nhưng, theo lời một cửu vạn tên Toàn ở chợ Long Biên, so với thời điểm trước tết, hàng nhập lậu từ Trung Quốc về Hà Nội đã thênh thang và công khai hơn. Anh Toàn cho hay, thường trước tết là đợt cao điểm trấn áp hàng lậu, công an làm gắt, còn bình thường tình hình “dễ thở” hơn, nên các chủ buôn tiết kiệm chi phí, vận chuyển, hàng vào nội đô theo đường sắt về tận ga Long Biên.
Vẫn theo lời Toàn, cuộc bàn giao diễn ra ngắn gọn trên nguyên tắc: chỉ giao nhận số lượng kiện hàng (vì đa số hàng được đóng trong các bao tải, trên đó ghi địa chỉ, tên người nhận) mà không cần hỏi là hàng gì!
Theo chân nhóm cửu vạn này, chúng tôi đón chuyến tàu từ Đồng Đăng về ga Long Biên rồi áp tải hai kiện hàng (hai bao tải loại to) đến một địa chỉ trên phố Hàng Giấy. Toàn bảo những cửu vạn xe máy như Toàn chỉ cần giao đúng địa chỉ, lấy biên nhận rồi về mà không bao giờ hỏi hàng lậu hay hàng có hoá đơn. Toàn nói, hàng vận chuyển bằng tàu hoả chủ yếu là “hàng khô” như vải vóc, đồ nhựa và địa chỉ anh hay giao hàng là một đầu mối phân phối áo quần cho nhiều cửa hàng trong nội đô. Ngoài ra, chợ Đồng Xuân cũng là “địa chỉ lớn” nhận hàng rồi từ đây lái buôn các tỉnh sẽ về nhận lại. Với “hàng tươi” (chủ yếu là hoa quả) thì chợ đầu mối Long Biên lúc sáng sớm là đầu mối chính phân phát cho thị trường Hà Nội.
“Mông má” hàng lậu và nghệ thuật bán hàng
Chị Bình, một tiểu thương chuyên bán áo quần Trung Quốc tại chợ Nghĩa Tân, thẳng toẹt, nếu bán một bộ áo quần Việt Nam chỉ lời giỏi lắm 70.000 – 80.000 đồng, lại khó bán, trong khi bán một bộ áo quần “hạng bét” của Trung Quốc cũng lời được 100.000 đồng, chưa kể, nếu biết “mông má” như các shop thì lời vài ba trăm mỗi bộ là chuyện thường.
Chị giải thích, nếu nhập về ba bộ, lựa ra một bộ có đường chỉ chuẩn một chút, dán mác made in Hong Kong hay Đài Loan là có thể bán cao hơn hai bộ còn lại cả trăm ngàn. Lý do chị Bình không làm là bởi theo chị, người ta tìm đến hàng chợ là những người ưa giá rẻ, phần lớn là sinh viên, còn ai có tiền hơn một chút là họ vào shop, “Nhưng shop Chùa Bộc hay Cầu Giấy với hàng đây là một cả, có điều họ chịu khó “mông má” nên giá cao hơn thôi”, chị nói.
Nói đoạn chị minh hoạ cho chúng tôi “tâm lý thích giá rẻ” của những người tìm đến hàng chợ. Hai chiếc chăn chiên mỏng cùng loại của Trung Quốc nhưng khác màu, thấy người mua chần chừ, chị liền bảo: cái xanh là hàng Việt Nam, giá 500.000 đồng, còn cái lông báo là hàng Trung Quốc, chỉ 350.000 đồng, lập tức cô sinh viên trường cao đẳng Du lịch chọn chiếc chăn 350.000 đồng.
Để kiểm chứng công nghệ “mông má” này, mục sở thị một loạt shop áo quần hạng trung trên đường Kim Mã, Chùa Bộc, Tây Sơn, Trần Nhân Tông… chúng tôi nhận thấy, quần bò Levis na ná giống nhau, nhưng chỉ cần có mác made in Thượng Hải hay made in Đài Loan là có giá 600.000 đồng với lý do “hàng trung ương Trung Quốc”, còn lại là giá 300.000 đồng vì toàn chữ Trung Quốc nhưng không rõ xuất xứ.
Tuy nhiên, nơi người tiêu dùng có thể mua đúng hàng Trung Quốc (giá rẻ) mà không sợ “bị nhầm” hàng Việt Nam hay hàng Hong Kong là khu chợ Đồng Xuân. Chưa có một con số điều tra thị trường nhưng nhiều tiểu thương ở đây không ngần ngại ước tính, phải hơn 90% hàng hoá ở đây có xuất xứ Trung Quốc, trong đó chủ yếu là quần áo may sẵn, giày dép, cặp, túi xách và đồ chơi trẻ em, đến các loại đồ gia dụng nhỏ như máy xay sinh tố, ấm siêu tốc…
Tương tự, với các loại hàng điện máy, ngay trong các siêu thị điện máy như Big C hoặc trên phố Hai Bà Trưng, hàng made in China không cần phải mông má, được bày bán bên cạnh các sản phẩm chính hãng hay liên doanh với giá chỉ bằng một nửa mà không hề kém cạnh về sức mua.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
0 comments:
Đăng nhận xét