Tâm sự hay vãi lều: Fây búk hỏi anh...

Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010 |

1. Fây búk hỏi anh là “Bạn đang nghĩ gì?”. Anh nói: “Mắc gì tao phải nói với mày?”. Anh thề là lúc đó anh chỉ nói đùa thôi mà nó giận anh mấy tháng, cứ vào lại báo “liên kết bị chặn”.



Nói thật là từ đầu anh đã không kìm được lòng khi có câu hỏi dành cho anh: “Bạn đang nghĩ gì?”. Lâu rồi chẳng ai hỏi anh như thế. Kể cả mẹ anh, người vẫn thường đặt cho anh những câu hỏi, cũng chỉ là ăn gì, đi ngủ lúc mấy giờ, có uống thuốc bổ đúng cữ chưa, đang yêu con nào...

Sếp anh thì chỉ hỏi một câu: “Mày làm xong chưa?”.

Mỗi ngày anh nộp cho hắn một trăm gạch đầu dòng về việc phải làm sao để người ta phát sốt vì băng vệ sinh. Anh được giao chuyên trách mảng này. Chả hiểu sao hay là người ta nhìn mặt anh có gì đó liên quan đến băng vệ sinh nhỉ? Anh hỏi hắn điều đó. Nhưng hắn sẽ không bao giờ cho người khác bất kỳ một câu trả lời nào cả.

Một câu hỏi khác anh cũng rất muốn hắn hỏi anh: “Mày có thấy tao hôi không mà sao những đứa khác thấy tao đều bịt mũi?”. Nhưng không, hắn chỉ nhìn anh đầy hoài nghi - rồi chẳng quan tâm đến việc anh cứ đưa tay lên ngoáy mũi, nhưng thật ra là để bịt lại mỗi lần hắn tới gần.

2. Và dĩ nhiên là chuyện cái não nhỏ bé của anh đã làm gì để cho ra một trăm ý tưởng không liên quan gì đến hắn.

Cái não đáng thương của anh như một khu nhà ổ chuột vậy. Em biết khu nhà mà người ta chen chúc với nhau cả trong khi ngủ để rồi bị rơi xuống kênh chứ?

Não anh vốn đã nghèo, đã nhỏ rồi mà còn bị chia ra làm nhiều khu. Khu nghĩ về mẹ anh với căn bệnh thấp khớp triền miên và cái dáng khòm khòm của bà trong vườn cải sau nhà. Khu cho chính anh với những chuyện cỡ như hôm nay sẽ ăn gì, ngủ với ai - à không - anh nhầm, nhậu với ai...

Cả một khu gồm nhiều phân khu nhỏ chứa các loại ám ảnh. Phân khu chứa những chuyện động trời của anh hồi nhỏ, chẳng hạn như bị té giếng hay chuyện anh học bài thi đến mệt lừ và quên ngày đi thi để cuối cùng trễ tốt nghiệp phổ thông so với các bạn cùng trang lứa một năm... Phân khu của mấy hình ảnh gần với cuộc sống của chúng mình, là chiếc taxi bị nhủi đầu vào “lô cốt”, là cây gãy đè chết người ngoài đường, là chuyện xe buýt cán người ta đầu lìa khỏi mình...

Đại khái là thế. Cái phân khu này đúng là chán, anh có muốn đâu mà vẫn phải giữ nó trong đầu để rồi lâu lâu nó lại hiện lên làm anh thấy hết muốn sống.

Để có thể chắp cánh cho băng vệ sinh bay cao thì rõ ràng là khu ổ chuột trong đầu anh lại càng bị nén, teo tóp, đáng thương. Tất cả ý nghĩ như bị nhốt trong một cái trại giam tập thể.

Thế mà sếp thường xuyên vứt cái phẹt cả trăm ý tưởng của anh vào sọt rác sau khi hắn liếc qua ba giây.

Hắn lắc đầu mà chẳng thèm giải thích tại sao.

Anh dư biết hắn không chê, hắn chỉ thử coi anh có cúi xuống nhặt một trăm ý tưởng mà anh đã bóp não của mình để nghĩ ra không.

Chỉ cần anh cúi xuống, không nghĩ gì để mà thốt ra hai chữ “mẹ mày” như một số thằng nhân viên trong công ty đã bỏ đi, thì hắn sẽ chấp nhận một trong một trăm ý của anh.

Còn những chuyện sau lưng, ví dụ như anh hay lèm bèm một mình “tại sao mình phải đi làm cho thằng chó này?” (mà vẫn có đứa nghe được), theo hắn là không vấn đề gì.

3. Với em, anh cũng chẳng muốn giấu làm gì - những suy nghĩ trong đầu anh ấy. Đã trần truồng với nhau rồi thì bất kỳ một sự giấu giếm nào khác cũng thành ra buồn. Em nhỉ?

Anh thấy mình cứ ba phút một lần lại nghĩ đến... đại khái là không trong sạch (em cứ nghĩ thế cho nhanh).

Nhưng em nhớ là phải kèm theo sự giải thích cho mình rằng anh chưa bị biến thành cái máy công nghiệp đến nỗi thấy quần áo của em và mấy nàng, mà chỉ nghĩ về quần áo và không hề bị liên tưởng gì đến những thứ khác.

Cũng đừng trách là tại sao anh hay chửi sếp là “cục c”. Hơi vô lý. Anh chấp nhận đi làm cho hắn để hắn trả tiền cho anh. Mà anh còn chửi?

Em cứ tưởng tượng như thế này đi cho dễ, sự vô lý ấy cỡ như chuyện anh là kẻ đến sau mà lại cứ muốn mình là duy nhất - cụ thể hơn, muốn em bỏ chồng.

Rất may, anh không biến tất cả những suy nghĩ đó thành hành động (dù trong xã hội này người ta luôn khuyên anh là “hãy hành động”, “sống là không chờ đợi”...). Anh sẽ thành gì? Một thằng thất nghiệp, một thằng khốn nạn, một tên thô lỗ? Rồi đời sẽ ghi tên anh... không mấy hay.

4. Có một chuyện làm anh phân vân, cái chuyện anh yêu em ấy mà, anh chẳng biết là có nên nói ra không?

Là vì như vầy. Trong lòng anh ba chữ “anh yêu em” cũng đẹp và thiêng liêng như lúc con người ta thề điều gì đó trước bàn thờ vậy. Thề thì thường là thì thầm và có nhang khói nghi ngút gửi lời thề đi tới người cõi xa, còn anh khi tập nói với em ba chữ đó thật rành mạch, rõ ràng không hiểu sao thấy nó nhẹ hẫng như mình là một thằng điêu - anh cảm tưởng thế.

Mẹ nuôi anh mấy chục năm trời, cho anh tất cả những gì bà có trên cuộc đời này, nhưng chưa một lần nào nói thương anh cả. Vì vậy nói “anh yêu em” anh có cảm tưởng như anh đang trách mẹ.

Chuyện người miền Nam của anh giỏi làm hơn giỏi nói suy cho cùng cũng là một hạn chế. Ngày xưa, điều ông ngoại anh trối trăng lại là “tôi yêu bà” - anh nghe thấy cũng kỳ nhưng cũng thấy thương.

Thật ra, đôi lần anh đã định bật ra được ba chữ đó khi nhìn em tỉ mẩn đút cho anh từng muỗng cháo, lau người anh bằng khăn ấm sau những ngày anh nằm liệt giường, rồi em lại bưng cái bô đi đổ và tỉ mẩn rửa giùm anh cái chỗ trên cơ thể anh mà cả đời anh chẳng nhìn thấy được... Ba chữ đó chực trào ra từ đâu anh cũng chẳng rõ được, có thể từ óc, từ tim, mà cũng có thể vì sự mất tin tưởng của anh vào việc sẽ có một người dám làm những chuyện này với mình. Anh chỉ cần mở miệng là nó sẽ trào ra.

Anh vẫn ước mình như Mỹ, có thể nói “I love you” một cách dễ dàng và thân thiện. Anh chẳng biết lúc nào là nó nói từ lòng - lúc nào là nói từ miệng, nhưng anh vẫn thích ai đó bày tỏ tình thương của mình một cách trôi chảy như vậy.

Làm sao anh không hiểu đã có lúc em trách anh bằng thơ em đã nhặt được đâu đó trong một trang sách cũ mà khách đến cửa hàng cắt tóc của em để lại.

Chị ấy nói (mà cứ như nói giùm em): Anh sợ nói yêu em muộn màng - Thì đừng nói/ Bao nhiêu năm rồi tôi chán biết bao nhiêu những người... đàn ông đến nói mà cũng sợ, thì nói gì đến yêu. (*)

Mà em không cần phải nói, anh biết em còn yêu anh.

Chứ em mà chán thì em không buồn làm thơ như chị ấy. Em sẽ cắt cái bụp anh không thương tiếc. Như cắt cho bọn đàn ông tháng một lần ghé lại tiệm cắt tóc của em ấy. Anh nhớ có lần em nói em thấy cái gì thấy dài dài, thừa thừa mà không biết dẫn đến đâu, không ra hình dạng gì (chẳng hạn như tóc và râu) là em sẽ cắt ngay.

Rất có thể tình cảm của anh rồi cũng bị liệt vào vùng những thứ ấy, nếu có ba chữ kinh điển của nhân loại mà anh nói cũng không xong.

5. Những lúc anh thẫn thờ trong công ty, nghĩ đến em đang làm gì (mà ngại nhắn tin cho em), bạn Fây búk (lại) hỏi anh: “Bạn đang nghĩ gì?”.

Ý nghĩ truyền xuống ngón tay, anh cũng gõ được ba chữ “anh yêu em” để trả lời bạn (anh cũng có thắc mắc là tại sao anh lại rất hay nghĩ về mẹ của anh ở quê nhỉ?).

Anh gõ rồi nhìn lại, sao mà thấy nhạt toẹt. Trong khi Fây búk thì dễ tin người, anh nói gì thì bạn ấy cũng sẽ hân hoan đi bù lu bù loa với bạn bè, với người thân xung quanh anh rằng “sự thật đây này, xem không?”.

Anh quyết định cho thêm một cái dấu chấm than nữa. Coi có tình cảm hơn không? Rồi đến ba dấu chấm than. Và cả một trái tim nữa. Cũng thấy không thắm thiết hơn được. Thế là anh xóa.

Anh nhận ra giới hạn của chữ viết nhưng anh cũng nhận ra tác dụng của nó là tột cùng trong việc biểu hiện cảm xúc. Đó là khi anh nhận ba tiếng “một lũ lười” của thằng chủ hôi hám quát thẳng vào mặt anh. Anh cứ thế mà bung thùa những suy tưởng trong đầu, nó chửi như thế là chửi trên đầu mình, trên đầu cha mình cả...

Với anh, không có giới hạn trong từ “một lũ”. Đáng lẽ ra anh chỉ đấm vỡ mặt nó, rồi sau đó ngồi ở trụ sở công an phường vài ngày là xong.

Nhưng ngay lúc anh đang cơn điên, Fây búk lại hiện ra và dịu dàng hỏi anh: “Bạn đang nghĩ gì?”. Anh quát ngay: “Đ.M thằng sếp hôi” - viết bằng hai thứ tiếng Anh và Việt cho càng nhiều người đọc càng tốt.

Mấy chữ trong lúc nóng giận thì thể nào chả ngu, em nhỉ? Nhưng chỉ cần hai giây thôi, lũ tôi mọi trung thành của hắn đã chụp lại cái màn hình và tấu trình đầy đủ về hành động ngu xuẩn của anh.

Hắn nhún vai, không hề gì, “chỉ việc mày đừng dừng những suy nghĩ về băng vệ sinh là được”.

6. Anh lò mò qua trang Fây búk của chồng em - tức là thằng bạn của anh.

Nó hơn anh ở chỗ bày tỏ rõ ràng vấn đề của mình: “Thương vợ quá” và cứ để đấy. Anh ấy rõ là rất Tây - thương thì nói thương.

Fây búk cho anh hai lựa chọn hoặc là “Bình luận” hoặc là “Thích điều này”.

Thật ra thì trong suy nghĩ anh “thích điều này”. Anh nghĩ đã là con người thì nó có quyền yêu thương - mặc dù con vợ mình nó chẳng thèm nấu cơm cho mình ăn, chẳng thèm ngủ ở nhà với mình đầy đủ các ngày trong tuần.

Còn bình luận? Anh biết nói gì đây. Chẳng lẽ lại nói “tao còn thương vợ mày nhiều hơn mày” à?

Nó là bạn của anh.

Nhiều thằng bạn khác - là bạn chung của anh và nó, nhảy vào “bình luận”: “Chồng tuyệt vời”, “Chị ấy chắc là cảm động lắm”. Có cả Lý, cô bạn biết chuyện của hai đứa mình. Lý nói: “Nhất định em sẽ nói cho nó nghe về điều này”.

Fây búk cứ hỏi anh hoài về cái vụ “thương vợ” của chồng em?

Anh nói: “Im lặng là vàng”. Nhưng may thật, anh đủ tỉnh táo để không viết ra bốn chữ đó. Mấy thằng bạn của anh vào đọc sẽ đặt câu hỏi là có chuyện gì mà cần phải dùng đến “im lặng”? Rồi thì... mệt lắm.

7. Vào cái đêm mà em ngồi với anh, im lặng cả mấy giờ liền. Anh chẳng hiểu sao anh không nói ra được một chữ nào. Rồi em nhìn anh ỉu xìu, rồi ra khỏi nhà anh mà không nói một câu từ giã. Nửa đêm, trên cái màn hình sáng lóa giữa cái phòng tối om, Fây búk lại hỏi anh cái câu quen thuộc ấy.

Anh chỉ muốn nói rằng “anh cần em”. Rõ ràng là anh rất muốn nói ra điều đó. Chỉ là anh đang nghĩ anh phải biến hóa và sửa thành cái gì cho nó riêng tư một tí. Viết nguyên văn ba chữ đó, cả đám bạn của anh và em sẽ điều tra “em” là ai thì sao?

Có lẽ anh sẽ nói với Fây búk là “anh cần ba chấm”.

Anh tự hào là anh đã học khá tốt từ Fây búk cái khoản có thể trình diễn bản thân (mà anh vẫn không đánh mất chính mình như những người khác. Kiểu như bọn tuổi teen hay để hình “rượu và sách” cho thấy mình già. Mấy anh già thì để dấu ba chấm ngập ngừng cho thấy mình bí ẩn với đám trẻ. Đằng sau đấy là gì thì có trời mới biết!).

Chị nhà văn em thích cũng có nói giùm đấy: Tôi không phải là một cái bị... đựng đồ. Trút ra hết rồi còn lộn trái. Mới phơi bày cái gọi là tấm lòng. Chơn thật (**).

Anh sẽ sống với Fây búk với tư cách là một cái bình. Một cái bình luôn luôn cần tồn tại giữa cuộc đời để người ta có thể cắm hoa chứ không phải sản xuất ra để mà vất xó.

Anh mở mục bình luận cho status “Anh cần...”, thì thấy:

Hồng - con bạn ế chồng của anh - nói: “Cần em à?”.

Hòa - đồng nghiệp ở công ty cũ - chắc nghĩ là anh đang cần tiền, có vẻ ái ngại: “Gọi cho tao nhé”.

Và hàng trăm bạn bè khác của anh nhảy vào “thích điều này”. Trong đó, có cả chồng em.

Rõ ràng nó chẳng có nghi ngờ gì cả...

8. Em thấy đó, cuối cùng thì anh cũng có một cách để trả lời người bạn Fây búk tuyệt vời, ngày nào cũng kiên trì hỏi câu “Bạn đang nghĩ gì?”.

Tiếc thật, em có phải là người suốt ngày ngồi trên mạng để chơi cái trò này đâu nhỉ? Em tối mắt tối mũi với tiệm cắt tóc, với chồng, với con...

Hôm nào em thử vào đó để trả lời câu “Bạn đang nghĩ gì?” của Fây búk xem nào. Nếu em không trả lời câu này cũng được, em chỉ cần đọc để tự trả lời câu hỏi mà em vẫn thường hỏi: “Anh - và cả thằng chả nữa (chỉ chồng em) chẳng hiểu suốt ngày chơi mấy cái trò trên mạng vớ vẩn ấy để làm gì?”.

Tới chừng đó, em có thể hiểu thằng sếp của anh nó rộng lượng cỡ nào, chồng em đang tâm trạng gì và thật ra là anh đã phải dằn vặt khi yêu em ra sao!

Nguồn: Tuổi Trẻ Online

1 comments:

Nặc danh nói...

hay nhỷ! nó có j đó của mỳk trog đó! mỳk ở vị trí của ng` viết bài nhg lại là con gái! ngày nào cũg fải đối mặt với câu hỏi :" mình đag làm j?" và cuối cùg đã tỳm ra câu trả lời! mình đag sai :(

Đăng nhận xét

Người theo dõi