WikiLeaks: Điểm đến mới của tài liệu tuyệt mật?

Thứ Ba, 13 tháng 7, 2010 |

Như một "cánh cửa rất nhỏ dẫn vào tòa thư viện đồ sộ chất chứa những thông tin luôn bị bưng kín", WikiLeaks đang trở thành đích nhắm cho các tài liệu mật, đồng thời xới lên nhiều tranh cãi.

Đầu những năm 1970, khi muốn tiết lộ thông tin tuyệt mật về cuộc chiến tranh ở Việt Nam với công chúng, Daniel Ellsberg đã gửi tập tài liệu bom tấn 7.000 trang về Lầu Năm Góc và các tờ báo quốc gia.

Nếu như ở vào thời đại này, Ellsberg có lẽ đã gửi nó đến một nơi quyền lực và khuấy đảo nhiều tranh cãi, một nơi tăm tiếng thích hợp hơn để công bố những chuyện động trời cho thiên hạ: một trang web tên là WikiLeaks.org.

"Người ta chắc chắn sẽ nghĩ đến WikiLeaks" khi mà các phương pháp tiết lộ bí mật khác đều thất bại, ông nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

WikiLeaks, một trang web phi lợi nhuận được điều hành bởi tình nguyện viên là các chuyên gia kĩ thuật đã nhanh chóng trở thành một "đích nhắm" cho các công bố liên quan đến chính quyền quốc gia.

Một số người ca ngợi WikiLeaks như ngọn hải đăng phát đi ánh sáng của tự do, trong khi những người khác lại phê phán nó như một mối đe dọa đối với an ninh thế giới.

WikiLeaks bắt đầu thu hút được sự chú ý của công chúng toàn cầu vào tháng 4 khi phát đi một đoạn băng ghi lại cuộc tấn công bằng máy bay trực thăng của Mỹ tại Iraq năm 2007. Hàng chục dân thường đã thiệt mạng, bao gồm cả 2 phóng viên của hãng tin Reuters.

Sree Sreenivasan, giáo sư báo chí tại Đại học Columbia nói với tờ The Independent của Anh vào tháng 4: "Đó là cả một thế giới mới nơi những câu chuyện bị bưng bít tìm được lối ra cho mình."

Tháng 3/2008, một báo cáo của Trung tâm Phản gián Quân đội Mỹ đã bị tiết lộ trên WikiLeaks, trong đó có nói thông tin đăng trên trang web này có thể "giúp các lực lượng thù địch lập kế hoạch cho các đợt tấn công khủng bố."

WikiLeaks sẽ thành điểm đến mới của các tài liệu mật?

Một cơ quan truyền thông nổi loạn?

Tiền đề cho sự ra đời của WikiLeaks rất đơn giản: Bất cứ ai cũng có thể tiết lộ các tài liệu, video hoặc hình ảnh và họ có thể làm thế mà không phải công bố danh tính.

Những người truy cập vào trang web này sẽ thấy một đường link lớn ghi rõ "gửi tài liệu." Mạng lưới biên tập viên toàn cầu của WikiLeaks sẽ sàng lọc những thông tin quan trọng và xác thực rồi đăng lên mạng.

Trang chủ của WikiLeaks có ghi rõ: "Mọi bài báo gửi trên đây đều sẽ được kiểm duyệt bởi các biên tập viên gồm những nhà báo chuyên nghiệp và các chuyên gia xác thực thông tin. Những bài báo không đạt tiêu chuẩn đều bị bỏ qua."

Tuy nhiên, trang web này thực sự khác với những kênh thông tin truyền thống khác.

Trên tờ The New Yorker, nhà báo Raffi Khatchadourian từng viết WikiLeaks "giống như một cơ quan truyền thông nổi loạn".

Nhận xét của Khatchadourian bắt nguồn một phần từ công nghệ mà trang web này sử dụng.

Tài liệu trên WikiLeaks được sao lưu trên các máy chủ đặt tại nhiều quốc gia. WikiLeaks cũng duy trì nhiều địa chỉ trên mạng nhằm khiến cho việc xóa bỏ các tài liệu mật đã được đăng trên trang web này rất khó, nếu không nói là không thể.

Trang web này được điều hành bởi một tổ chức được gọi là Sunshine Press, hoạt động nhờ kinh phí quyên góp của cộng đồng. Time.com cho biết WikiLeaks có nguồn ngân sách hàng năm là 600.000 đôla.

"Dị nhân" đằng sau WikiLeaks

Tổng biên tập đồng thời là nhà sáng lập bí ẩn của WikiLeaks là một người Úc tên là Julian Assange. Trong các hồ sơ trên mạng, người ta nói về Assange như một kẻ lập dị lang thang khắp nơi trên thế giới, mang theo tất cả những gì thuộc về mình và dành nhiều thời gian ở Kenya, Iceland và Thụy Điển, những nơi đang cất giữ các máy chủ của trang web này.

Assange từng bị dính líu vào nhiều vụ kiện tụng với vai trò là tổng biên tập của WikiLeaks. Ông cho biết: "Để giữ cho các nguồn tin được an toàn, chúng tôi thường phải phân tán tài sản, mã hóa tất cả và liên tục di chuyển các phương tiện truyền thông cũng như con người đi khắp thế giới nhằm dựa vào sự bảo vệ của luật pháp tại những nước khác nhau."

Julian Assange - "dị nhân" đứng sau WikiLeaks

Assange - người đàn ông với mái tóc bạch kim thẳng đơ và giọng nói rất sâu, thỉnh thoảng lại xuất hiện trên Youtube và trong các cuộc phỏng vấn của giới truyền thông. Ông khẳng định sứ mệnh của WikiLeaks là thúc đẩy một nền dân chủ cởi mở hơn, nơi các quan chức chính phủ không thể giữ kín những bí mật đen tối của mình với công chúng.

Trang web gây nhiều tranh cãi

Với cố gắng nhằm "khai quật" và công bố những thông tin bị che giấu, WikiLeaks đã làm dấy lên nhiều tranh cãi.

Thông tin được tiết lộ trên trang web này rất đa dạng, từ email cá nhân của cựu ứng cử viên tổng thống Sarah Palin, sổ tay hướng dẫn của quân đội Mỹ ở Vịnh Guantanamo, Cuba; những bức email đã làm dấy lên tranh cãi về việc nóng lên toàn cầu "Climategate"; và các tài liệu mà Assange nói rằng đã làm thay đổi kết quả của cuộc bầu cử năm 2007 ở Kenya.

Ari Schwartz, phó chủ tịch và giám đốc điều hành của Trung tâm Dân chủ và Công nghệ cho rằng những ảnh hưởng lâu dài của WikiLeaks vẫn chưa rõ ràng. Nếu như trang web này tiết lộ thông tin quốc gia tuyệt mật mà không có lý do, phản ứng thái quá của dư luận có thể nhanh chóng giết chết những gì mà chính WikiLeaks đang cố gắng gây dựng.

Ông nói: "Nếu như họ công bố chỉ để công bố thì phản ứng của công chúng đối với những thông tin đó có thể sẽ rất tiêu cực."

Schwartz nói rằng nhóm của ông đã được lợi từ WikiLeaks vì trang web này có thể nhận được những thông tin về quốc hội mà tổ chức của ông không có được.

Ellsberg, cựu quan chức Bộ quốc phòng Mỹ, người đã rò rỉ các tài liệu về Lầu Năm Góc trong những năm 1970 và giờ đây đang quyên tiền cho WikiLeaks nói rằng trang web này có tiềm năng thay đổi cách thức hoạt động của các bộ máy chính phủ trên toàn thế giới, khiến các nhà lãnh đạo có trách nhiệm hơn với công chúng.

Những video quân sự được tiết lộ gần đây chỉ là "cánh cửa rất nhỏ dẫn vào tòa thư viện đồ sộ chất chứa những thông tin luôn bị bưng kín," ông nói.

0 comments:

Đăng nhận xét

Người theo dõi