Suy ngẫm: Cafe ở London và "tiền ngay" ở Vũng Tàu

Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2010 |

Tôi đến London, thủ đô Vương quốc Anh vào đầu tháng 3/2009, khi đó thành phố sương mờ đang vào cuối mùa đông, rất lạnh. Sau khi đi khám phá những danh thắng nổi tiếng ở đây như “Đôi mắt London”, cầu sông Thame, tháp đồng hồ BigBen, tôi vào một quán cà phê nhỏ cạnh Nhà hát thành phố, gọi một ly Capuchino, nhâm nhi đợi vợ chồng anh bạn chưa bao giờ gặp mặt.

Sau ly cafe là chuyện kinh doanh có văn hóa. Ảnh trên internet

Quán nhỏ. Sạch. Không đông người. Chủ quán là một thiếu phụ người Anh quãng 35 tuổi. Sau khi mang cà phê ra, thấy tôi loay hoay với cái số điện thoại lạ hoắc, số dài ngoằng ngoẵng của người bạn, chủ quán bước gần lại và hỏi: “Xin lỗi, tôi có thể giúp được gì cho ông?”. Tôi nói tình trạng của mình, thiếu phụ nhũn nhặn cầm tờ giấy ghi số điện thoại và thao tác bấm số, nói chuyện gì đó với người đầu dây. Xong, thiếu phụ nói: “Bạn ông đang ở gần đây, khoảng 10 phút nữa sẽ có mặt”. 10 phút sau, anh bạn ấy gọi lại nói có việc kẹt không đến được, tôi đứng dậy trả tiền cà phê.

Lạ là người Anh chỉ xài đồng bảng, không xài ngoại tệ khác (có lẽ vì sự tự tôn dân tộc), trong khi túi tôi chỉ còn lại tiền đô la Mỹ. Thiếu phụ nói chúng tôi không xài tiền Mỹ. Tình huống rất khó xử. Giữa đất khách quê người lạ lẫm, không biết chỗ đổi tiền ở đâu. Nhận thấy vẻ mặt lo lắng của tôi, bà chủ quán có vẻ thông cảm. Chị đến gần và nói bằng tiếng Anh: “Tôi chia sẻ sự lo lắng của bạn. Tôi nghĩ rằng bạn là dân du lịch từ Châu Á, thi thoảng gặp phải vấn đề này. Có thể bạn sẽ không trở lại Anh lần thứ hai và tôi không biết bạn ở đâu để đòi tiền. Nhưng cuộc sống có những lúc khó khăn. Ly cà phê mà bạn không phải trả tiền này là một ngoại lệ không nhiều. Và nó sẽ khiến bạn nhớ nước Anh”.

Người thiếu phụ gọi cho tôi một taxi và nói rõ với tài xế là tôi không có tiền bảng, khi về đến khách sạn mới trả tiền. Lái xe taxi ngần ngừ một lát rồi đồng ý. Bà chủ quán còn căn dặn tôi: “Đến nước Anh, bạn phải nhớ có tiền bảng và chúc một chuyến đi tốt đẹp”.

Đúng hai tháng sau, tôi đưa gia đình đến biển Vũng Tàu nghỉ. Cái quán mà chúng tôi chọn nằm ở Bãi sau, có trương tên Công ty CP du lịch Tháng Mười. Quán vắng tanh. Biển thổi tung nước mặn. Bà chủ quán mời khách: “Mỗi ghế 25 ngàn đồng. Bia 25 ngàn/lon/ (và chỉ tay), mực loại này 30 ngàn/con, loại kia 40 ngàn. Các anh trả tiền ngay sau khi gọi nhé”.

“Thôi, trả tiền ngay đi con, đằng nào cũng phải trả”, bố tôi nói khi thấy tôi định cự lại.

Buồn nhất là khi xuống biển tắm, phải thuê một chỗ tắm nước ngọt 10 ngàn đồng và một hộp để đồ 20 ngàn đồng. Cả nhà đang tắm nước ngọt thì bà chủ quán tông tốc chạy tới: “Anh thanh toán giùm ngay tiền tắm và tiền hộp đồ”.

Biết là vẫn phải trả tiền nhưng đối xử kiều “tiền ngay” ở Vũng Tàu thấy khó chịu và khốn khổ vô cùng.

Kể từ đó, cà phê Capuchino ở Anh luôn ám ảnh vị ngọt của nó trong tôi. Còn nước biển Vũng Tàu thì mang vị đắng.

Nhắc chuyện “tiền ngay”, tôi chợt nhớ tới phở đuổi, phở chửi ở Hà Nội. Có một lần tôi vào gọi món mì tim cật ở một quán ăn gần sân vận động Hàng Đẫy. Sau 20 phút không thấy ai đoái hoài gì tới mình, tôi gọi: “Cô cho cháu xin cái bát mì, gần nửa tiếng rồi chưa có”. Bà chủ quán băm mạnh con dao vào thớt và chửi: “Đ.m, không ăn thì cút mẹ mày đi”.

Cả quán, gần 20 người, toàn nam thanh nữ tú, cứ cắm cúi ăn, chẳng ai nói câu gì.

Tôi liên tưởng đến cảnh Chí Phèo khật khưỡng, cầm dao đi đầu làng cuối xóm chửi búa xua trong tuyệt phẩm Chí Phèo của Nam Cao. “Chắc là nó trừ mình ra”, người dân cả làng Vũ Đại bảo thế.

Cùng là kinh doanh, một cách kiếm sống, nhưng có hai cách hành xử. Hành xử của bà chủ quán cà phê ở London hướng tới câu chuyện về một cách kiếm tiền có đẳng cấp. 4 bảng mà tôi phải trả cho ly cà phê sẽ không được lấy lại nhưng những cái mà họ có trong tôi là một giá trị đích thực của kinh doanh. Đẳng cấp, không chỉ trong chuyện kiếm tiền, chỉ có thể có khi người ta ý thức đầy đủ về những phẩm giá từ hành vi của họ mang tới xã hội. Và sau đó không chỉ là chuyện tiền nong.

Theo KH&ĐS

P/s: Nhắc đến cái văn hóa kinh doanh của người Hà Nội nghe mà... phát ốm, hic hic

0 comments:

Đăng nhận xét

Người theo dõi