Ném rùa cạn xuống nước giữa lòng hồ Gươm để cầu xin sức mạnh, thật là vãi lều ^^

Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2010 |

Một thanh niên sinh năm 1987 muốn cầu xin sức mạnh từ trời đất đã nghĩ ra cách viết tên mình và điều ước lên một chú rùa và phóng sinh bằng cách... ném thật xa về phía Hồ Gươm. Đáng tiếc, chú rùa được phóng sinh lại là loài rùa sống trên cạn.

Bầu không khí yên ả trên bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) bỗng nhiên bị khuấy động khi một người thanh niên lấy hết sức bình sinh ném một chú rùa to hơn bàn tay người lớn ra giữa hồ.

Bị ném ra xa khoảng 20m, chú rùa kém may mắn lóp ngóp bơi vào bờ trong sự chứng kiến của đám đông hiếu kỳ. Một người câu cá đã nhanh tay tóm được khi chú vừa bơi vào bờ. Người này tiếp tục ném thật lực chú rùa ra lòng hồ. Lần này, chú bị ném ra xa khoảng 30 m.

Lần thứ hai bơi vào bờ, chú rùa trên đã may mắn được ông Nguyễn Xuân Thuận, điều phối viên chương trình rùa Việt Nam bắt và bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn rùa ở vườn quốc gia Cúc Phương.

Chú rùa bị "tế thần".
Ảnh do nguồn tin cung cấp

Khi được vớt lên, có thể thấy dưới yếm của chú rùa có dòng chữ “hãy cho con sức mạnh” viết nguệch ngoạc bằng bút xóa. Trên mai rùa ghi cái tên “Phan Văn H.” với ngày sinh “8 tháng 5 năm 1987”.

Chú rùa được xác định là loài rùa sa nhân (Pyxidea mouhotii), một loài rùa cạn sống ở các khu rừng trên núi đá vôi của một số tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam.

Theo anh Nguyễn Minh Phương, nhân viên Sở văn hóa, thể thao và du lịch Hà Nội, vào những dịp lễ, rằm, khá nhiều người phóng sinh rùa xuống hồ Hoàn Kiếm. Với kinh nghiệm nuôi và nhận dạng rùa, anh cho rằng chuyện rùa cạn bị “phóng sinh” xuống hồ không phải là hiếm.

Trao đổi với Đất Việt, Giáo sư Lê Nguyên Ngật, chuyên gia về lưỡng cư và bò sát của ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, đặc điểm nhận dạng rùa cạn là có vẩy nổi rõ, chân hình trụ tròn và không có màng. Các loài rùa cạn khi bị thả xuống hồ theo bản năng sẽ tìm mọi cách để trèo lên bờ, vì hồ nước không phải là môi trường tồn tại của chúng. “Khi ấy, nếu không bị người bắt thì chúng cũng khó có thể tìm thấy môi trường sống và thức ăn phù hợp để tồn tại như khi ở trên rừng”, giáo sư Ngật nói.

Rùa tai đỏ là động vật xâm hại nguy hiểm.

Tất cả các loài rùa bản địa của Việt Nam đều là loài quý hiếm có tên trong Sách Đỏ. Bất kể chúng là rùa cạn hay rùa nước, việc phóng sinh chúng vào những nơi không thuộc vùng phân bố tự nhiên đều là không nên bởi khi đó điều kiện sống của chúng sẽ không được bảo đảm.

Việc phóng sinh rùa nhập ngoại cũng không được các nhà khoa học hoan nghênh. Đặc biệt, tuyệt đối không nên phóng sinh rùa tai đỏ, vì đây là loài được xếp vào danh mục 206 loài động vật xâm hại nguy hiểm toàn cầu. “Rùa tai đỏ sẽ cạnh tranh thức ăn và môi trường sống với nhiều loài động vật thủy sinh bản địa, đẩy các loài này đến nguy cơ bị diệt vong”, phó giáo sư – tiến sỹ Lê Xuân Cảnh, viện trưởng viện sinh thái và tài nguyên sinh vật cho biết.

Từ sự kiện trên có thể thấy, nhận thức về giá trị sống và hiểu biết về tự nhiên ở một bộ phận người dân ở mức thấp đến nỗi gây nên cảnh bi hài khó tưởng tượng, phóng sinh rùa cạn xuống nước. Từ góc nhìn văn hóa và sinh thái, nhận xét về hành vi “phóng sinh” mà lại là “sát sinh”, giáo sư Hà Đình Đức, người nghiên cứu rùa Hồ Gươm cho biết: “Người dân họ thiếu hiểu biết nên phóng sinh bừa bãi mà không hiểu những tác động đến môi trường. Cái này cần phải giáo dục tuyên truyền họ mới ý thức được”.

0 comments:

Đăng nhận xét

Người theo dõi