"Chúa trời iPad" có cứu rỗi được những con chiên ngoan đạo mang tên "báo chí" ?

Thứ Năm, 3 tháng 6, 2010 |

Đổ về "Thánh địa" Apple, các "tín đồ" báo chí kiếm tìm ở App Store thần dược hồi sinh việc kinh doanh. Nhưng liệu đó có là ảo tưởng, khi người cầm trịch cuộc chơi lại là Steve Jobs?

Trở về sau khi cận kề cái chết, Steve Jobs, vị thủ lĩnh tinh thần của Apple, rầm rộ tổ chức giới thiệu sự ra đời của "đứa con cưng" iPad. Và chiếc máy "kỳ diệu, đại cách tân", "Tấm thẻ của Chúa" này lại thổi bùng những lời hoa mỹ tán tụng Apple. iPad chào đời trong sự bao phủ của tấm màn được mô tả đẹp đẽ là "điều huyền diệu tôn giáo" chứ không chỉ đơn thuần là "bí mật tập đoàn".

Trong tấm màn kỳ bí đó, các "tín đồ" báo chí lũ lượt kéo đến "Thánh địa" Apple kiếm tìm thần dược. Niềm hy vọng mong manh của những "người hành hương" này là Steve Jobs sẽ khôi phục việc kinh doanh cho họ với App store (kho ứng dụng của Apple) trên iPad. Nhờ vậy, họ sẽ thu được phí đọc báo của độc giả và làm hồi sinh các quảng cáo toàn trang dưới dạng điện tử. Nhưng có lẽ họ đang nằm mơ.

Báo chí - ảo mộng tan vỡ

Vấn đề đầu tiên với ảo tưởng của các tờ báo là độc giả không cần đến những ứng dụng apple nho nhỏ dễ thương đó để đọc báo và tạp chí. Trên iPhone, các ứng dụng mang lại những tiện ích thực sự - dù không thú vị khi duyệt một trang web đa năng qua màn hình 3,5 inch như vậy. Ngược lại, iPad có màn hình 9,7 inch rộng rãi, sáng láng và đẹp đẽ. Trình duyệt Safari rất thích hợp để đọc bất cứ văn bản nào trên iPad.

Trên màn hình lớn, những ứng dụng của thế hệ iPad đầu tiên giá ngất ngưởng được chào bán bởi các tạp chí như Vanity Fair (4,99 đôla/ 1 tháng) và Time (4,95 đôla/ 1 tuần) nhằm hồi sinh một chức năng cũ rích là... lật trang. Như những "nàng công chúa cấm cung" trong lâu đài Apple, các ứng dụng trên iPad thiếu hẳn chức năng căn bản mà mọi báo điện tử ngày nay đều cần: cơ hội bình luận của độc giả, sự tích hợp mạng xã hội, khả năng chọn và dán chữ, và cuối cùng là chức năng căn bản nhất: dẫn đến các nguồn khác.

Nick Denton, người sáng lập công ty Gawker Media, dè bỉu chúng là "một bước thụt lùi trở về thời đĩa CD-ROMS."

Một vài ứng dụng, như ứng dụng New York Times Editors' Choice (Lựa chọn của các biên tập viên New York Times), được thiết kế bắt mắt. Nhưng khó có khả năng độc giả trả nhiều tiền cho vẻ ngoài đó, ít nhất là chừng nào các ứng dụng này chưa đuổi kịp phiên bản web của các xuất bản phẩm.

Sai lầm lớn hơn nữa là một số tờ báo có vẻ quá hào hứng cổ súy một thị trường Apple nắm quyền kiểm soát. Amazon từng bị chê bai khi đề nghị tỷ lệ chia doanh thu 30% với các báo và tạp chí trên máy Kindle. Nhưng Steven Jobs thậm chí còn "keo kiệt" hơn cả Jeff Bezos - cha đẻ của Amazon.

Nếu bạn muốn "chơi" trên sân chơi của Apple, công ty này sẽ xác định xem ứng dụng nào "Quả táo" cho là phù hợp, sau đó lấy 30% chiết khấu. Apple tập hợp dữ liệu về người dùng và quyết định việc muốn chia sẻ với các các tờ báo dữ liệu nào (cho đến giờ thì chưa có gì "phù hợp"!).

"Quả táo" dự định bán quảng cáo thông qua một nền tảng gọi là iAd, kiểm soát các tiêu chuẩn và thu lại 40% doanh thu. Nếu thành công trong việc "nắm đằng chuôi" mối quan hệ với khách hàng, Apple sẽ trở nên nguy hiểm cho các tờ báo chẳng kém gì công ty này từng nguy hiểm với ngành âm nhạc.

iPad có thể không phải là "thần dược" mà các tờ báo vẫn mong đợi

Nhưng khía cạnh đáng sợ nhất của tầm nhìn Apple là khuynh hướng kiểm soát gắt gao các nội dung đăng tải. Nếu Google hoạt động từ một cam kết sâu sắc nhằm giải phóng sự thể hiện - như đã được chứng minh qua hành động "to gan" dám thách thức Trung Quốc - Steven Jobs lại ghét cay ghét đắng sự cởi mở. Chẳng vậy mà Apple từng "lừng lẫy" với vụ từ chối cấp phép cho họa sỹ biếm họa Mark Fiore chạy một ứng dụng với lý do nó vi phạm mục 3.3.14 của Thỏa thuận cấp phép Chương trình người phát triển iPhone (iPhone Developer Program License Agreement) của Apple. Thỏa thuận này cho phép Apple khóa mọi nội dung mà công ty cho là "có thể bị chỉ trích". Trong khi tác phẩm của Fiore lại bị Apple đánh giá là "nhạo báng những nhân vật tiếng tăm".

Apple đã quay 1800 khi Fiore bất ngờ đoạt giải Pulitzer, nhưng vẫn không có ý định bào chữa cho các chính sách của mình và cũng không bỏ chế độ kiểm duyệt. Apple nổi tiếng là luôn thù hằn những ai... biếm họa Ngài Jobs. Và thành phố Cupertino (đại bản doanh của Apple) thậm chí còn khắt khe với tranh ảnh "nhạy cảm" và nội dung "mát mẻ" hơn cả Tòa Thánh Vatican.

Apple - nhà tù lộng lẫy

Nhà triết học Ý Umberto Eco từng so sánh sự khác nhau giữa Apple and Microsoft như sự khác nhau giữa đạo Thiên Chúa và đạo Tin Lành. Ông viết, trong vũ trụ phần mềm DOS-based (của Microsoft), có rất nhiều con đường khác nhau để cứu rỗi linh hồn. Ngược lại, "giáo hội duy nhất" của máy Macintosh (Apple) "nói với tín đồ họ phải tiến lên từng bước từng bước như thế nào để đến được - nếu không phải là Nước Trời - cái khoảnh khắc mà Kinh Thánh của họ được viết ra."

Tất cả những điều trên không đồng nghĩa với dấu hiệu diệt vong của Apple. Nếu chỉ vì hệ thống đóng của Jobs từng bị mô hình mở của Microsoft đè bẹp vào những năm 1990 không có nghĩa là lịch sử sẽ lặp lại - cho dù có khả năng đó. iPad là một chiếc máy tuyệt đẹp. Nhưng giới báo chí nên thôi tự lừa dối bản thân về những nỗ lực của Jobs nhằm thay thế sự hỗn loạn của thế giới Web bằng chính nhà tù lộng lẫy của ông. Nhà thờ công giáo luôn chiếm ưu thế về tính thẩm mỹ. Nhưng lại thua về tư tưởng cách tân, độc lập. Và nó cũng không "giỏi" trong việc chia sẻ sự giàu có.

0 comments:

Đăng nhận xét

Người theo dõi