Bình luận: Từ Việt kiều đến “ngôi” Hoàng kiều

Thứ Hai, 24 tháng 5, 2010 |

Nước non ngàn dặm trong trái tim người ra đi có dăm bảy đường đi lối về. Có người vì cõi nhân gian với cả tấm lòng. Nhưng có kẻ với bề ngoài sang trọng, dùng tiền để mua cả một dân tộc cả tin.

http://www.nguoiduongthoi.com.vn/Image.aspx/image=pjpeg/1afa7b55cdf64944bb9145bca081997f-04-6.jpg/04-6.jpg

Câu ca muôn thuở "mỡ nó rán nó"

Trong thế giới hội nhập nhiễu nhương, giá trị ảo, thật hay đạo đức thật, rởm dễ bị đảo lộn, đôi lúc cần tỉnh táo trước những lời đường mật, những dự án hươu vượn của những kẻ "nhân danh".

Nói đến Việt kiều ai cũng nghĩ đó là những người giầu có, sang trọng, học thức đầy người. Rất nhiều đã thành đạt nơi xứ người, mang lại vẻ vang cho người gốc Việt.

Quả thật, không ít người trở về quê hương, góp phần xây dựng đất nước. Người ở quá xa, không có điều kiện trở về do nhiều nguyên nhân thì đóng góp bằng tri thức quí báu. Nhưng đôi lúc với cái mác "trở về cội nguồn" nhằm đánh bóng bản thân, lại có kẻ kiếm chác rất nhiều tiền trên sự cả tin của đồng bào trong nước.

Tôi nhớ có lần đọc bài viết về một người Mỹ gốc Việt trên báo Thanh Niên (12-2006), tác giả mô tả một con người đầy nghị lực ý chí, quyết làm giầu và thành đạt nơi xứ người. Xin trích một đoạn: "Một ngày bình thường của ông bắt đầu bằng việc dậy sớm, thực hiện bài chạy bộ hơn 8 cây số trên con đường gần nhà ở Westlake, bang Cali. Hoàng Kiều, người Mỹ gốc Việt từng có dịp gặp gỡ Tổng thống George Bush khi ông đoạt giải Doanh nhân 2005 tại Mỹ là một người nghiện công việc và nghiện...làm từ thiện".

Tác giả còn cho biết chi tiết " Hiện là Tổng giám đốc của tập đoàn chuyên cung cấp các sản phẩm từ huyết tương RAAS (Rare Antibody Antigen Supply Inc) có mạng lưới rộng khắp nước Mỹ và chi nhánh tại Trung Quốc, Hoàng Kiều vốn nổi tiếng là người chi mạnh tay cho các dự án từ thiện. Riêng tại Việt Nam, chỉ từ tháng 6.2006 đến nay, Công ty RAAS Hoàng Gia của ông đã chi đến 20 tỉ đồng để xây hơn 1.000 nhà cho người nghèo, cứu trợ lũ lụt và giúp đỡ các trẻ em tàn tật. Thông qua quỹ từ thiện của Báo Thanh Niên, ông đã đóng góp 1,5 tỉ đồng, trong đó 1,3 tỉ dành riêng cho việc xây 130 căn nhà tình nghĩa" .

Vào Google gõ "Hoàng Kiều" thì có tới vài triệu kết quả. Rất nhiều ảnh đại gia này chụp với nhiều người đẹp trên khắp thế giới. Có cả ảnh chụp chung và có cả chữ ký của Tổng thống Bush, thì ai dám không tin rằng đây là người Việt đã thành danh toàn cầu.

Đôi khi rỗi, tôi hay "bước" theo các nhà báo, đọc về người Việt kiều nổi tiếng này. Tổ chức "thành công" Miss World 2008, trước đó là hoa hậu thế giới người Việt ở Vinpearl(10-2007), ông Hoàng Kiều tiếp tục đề nghị nhà nước ta cho phép thành lập dự án "Ngàn sao" tại Nha Trang để thi hoa hậu thế giới 2010.

Nghe nói, thời niên thiếu chỉ mặc quần xà lỏn, nên khi thành đạt, ông vẫn thích các người đẹp mặc "xà lỏn thời hiện đại". Các cuộc thi người đẹp do ông đề xướng nhằm khoe sắc nước hương trời và quảng bá cho nền văn hóa "lúa nước". Có lẽ đất nước mình với 80% nông dân "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", lặn lội đồng sâu nên cần chân thật dài để không bị ướt quần.

Tuy nhiên dự án "ngàn sao" đã trở thành "không sao" vì khu đất đó chưa "thỏa thuận" được với giá như ai mong muốn. Không làm ở Nha Trang thì đến nơi khác như Tiền Giang chẳng hạn.

Hình như các nhà báo "yêu mến" người Mỹ gốc Việt này nên họ khen nhiều hơn cả chính người trong cuộc mong đợi. Một tờ báo còn thanh minh cho việc "gió đã xoay chiều" bằng một loạt bài "Tuổi thơ một chiếc quần xà lỏn".

Bài báo có đoạn: "Tôi biết hiện nay cả 5 người con của ông đều thành tài và đã có cơ nghiệp ở nước ngoài nên ông có thể yên tâm "dành hết phần đời còn lại của mình cho quê hương" như ông đã nói".

Báo chí rùm beng, tung hô người quay về xứ sở với trái tim khối óc dành cho đất mẹ bằng những cuộc thi hoa hậu tốn kém, trong khi dân nghèo xứ này không đủ cơm ăn áo mặc, học sinh đến trường không có bàn ghế, không nhà vệ sinh, tới trường không có dép trong mùa đông giá lạnh.

Chi phí những lần cho các chân dài du hý, chụp ảnh ngoài bãi biển hay đi làm từ thiện hời hợt, có thể xây hàng chục trường trên miền núi, mỗi trường vài tỷ. Tiền của đại gia bỏ ra ư? Nhầm, "mỡ nó rán nó" là câu ca muôn thưở của người đi buôn từ xa xưa đến bây giờ.

Trên trái đất, ở rất nhiều quốc gia, thế giới mafia có thể thao túng cả chính quyền và mua đứt vài tờ báo. Những kẻ bồi bút không thiếu vì các đại gia biết dùng phương tiện truyền thông rất rẻ cho mục đích PR (quảng cáo) cho chính họ. Các chuyến đi làm từ thiện, dùng các chân dài "lội" trên nhung lụa, thực chất là những cú PR tuyệt vời mà giới truyền thông đã giúp không công.

Mải tung hô, thán phục, ít ai nhớ ra dưới chân các người đẹp "mặc xà lỏn" là...đất. Bước catwalk tới đâu, nhả "lời hay ý đẹp" tới đó, là những miếng đất nhả ngọc châu thật, và người tổ chức chỉ việc đi theo nhặt bỏ túi.

Mác "kiều" mua được ngai vua?

Có người đã gióng hồi chuông cảnh báo vì những cú hích thi quảng bá chân dài, mà phía sau có thể là những dự án chia chác bất động sản hay bãi biển mê hồn. Nhưng tất cả rơi vào im lặng chỉ vì đôi chân gợi tình, gò bồng đảo lồ lộ, tiếng cười, tiếng hát, tiếng hò reo trên sàn diễn ở Vinpearl át đi.

Mấy hôm nay, người ta cũng chả ngạc nhiên khi báo chí VN, kể cả những tờ báo đã từng tung hô, khen hết lời, lại nóng lên chuyện chính ông Việt kiều này không thèm "nhập khẩu chân dài" về Tiền Giang nữa. Ông ta mua luôn Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang và nhiều chuyện động trời khác.

Tôi vốn không tin báo chí viết nhiều vì đôi lúc là do những đề nghị của ai đó đứng trong bóng tối. Nhưng tiếng ỷ eo, lời đồn đại, rằng người ta mua bán tài sản nhà nước "to" bằng giá "bèo" lại cứ văng vẳng bên tai. Hai chú cháu tự đấu giá với nhau một tài sản khổng lồ thông qua một hệ thống quản lý "của dân, do dân, vì dân" một cách nhẹ nhàng.

Trên thế giới đã có những cú đầu tư vài triệu đô la ban đầu vào một nước nghèo, với vài trăm ngàn làm từ thiện để báo chí, tivi đưa tin, nhưng sau đó là những ký kết có lời hàng tỷ đô la. Buôn một bán nghìn rất dễ.

Chuyện từng xảy ra ở châu Phi, Đông Âu, châu Á, nhưng nếu nó tái diễn ở một đất nước nghèo như Việt Nam và do chính đồng loại máu đỏ da vàng "mua mua bán bán" thì đắng cay muôn phần.

Nước non ngàn dặm trong trái tim người ra đi có dăm bảy đường đi lối về. Có người vì cõi nhân gian với cả tấm lòng. Nhưng có kẻ với bề ngoài sang trọng, dùng tiền để mua cả một dân tộc cả tin.

Không phải cứ có tiền là mua được hết. Nhưng có kẻ từng tuyên bố rất tự tin rằng "cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền".

Viết tới đây, tôi bỗng nhớ câu ca thuở nào mà người đời cay đắng đúc kết thật sâu sắc: "Tiền là tiên là phật. Là sức bật con người. Là nụ cười tuổi trẻ. Là sức khỏe cụ già. Là cái đà danh vọng. Là lọng của nịnh thần. Là cán cân công lý. Tiền là ...hết ý".

Những đồng tiền ấy làm mờ mắt đôi người nên mới có những kẻ "Việt kiều" từ nơi xa lạ lên "ngôi Hoàng kiều" ở đất nước Việt Nam nghèo khó này.

0 comments:

Đăng nhận xét

Người theo dõi