Ký sự đi “bia ôm” Sài Gòn

Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010 |

Đối với tôi mỗi chuyến về thăm Việt Nam là một hành trình về quá khứ. Tìm thăm bè bạn đã mất liên lạc từ mấy mươi năm xem đứa nào còn, đứa nào mất. Những đứa nào còn thì hẹn hò gặp nhau để tay bắt mặt mừng, để ôn lại những kỉ niệm vui buồn thời trung học, để nhắc lại những ngày nóng bỏng thời sinh viên xuống đường.

Up hình của Nhím Lông Xanh 's Blog


Trong số bạn tôi còn sống sót và ở lại trong nước, một số nhỏ rất thành công trên thương trường, một số khác thì theo nghiệp khoa bảng, và một số không may mắn thì bỏ nghiệp sách vở và bút nghiên để về làm ruộng hay sống lây lất qua ngày trong các vùng quê hẻo lánh. Hôm ghé Thành phố Hồ Chí Minh, tôi rất mừng gặp lại một người bạn cũ thời trung học và đại học, nay là một thương gia rất thành công trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất. Sau hơn 30 năm, hai đứa tóc đã đổi màu muối tiêu, mà gọi nhau cứ tao tao, mày mày y như thời còn trai trẻ vậy. Có khi nhắc đến người xưa, nó còn dùng “thằng đó”, “con nhỏ đó” làm tôi phải nhắc nó là “con nhỏ đó” bây giờ là bà ngoại rồi đấy, mày phải coi chừng cách xưng hô! Nó cười xòa. Bỏ nguyên ngày làm việc ở hãng, nó chở tôi đi tham quan chung quanh thành phố, để tìm lại những người xưa cảnh cũ, nhưng nơi chốn đã thay đổi quá nhiều đến nổi tôi không cách gì nhận ra nữa, rồi sau cùng là ghé thăm hãng sản xuất khổng lồ của nó ở ngoại thành.

Đang ngồi uống cà phê trong một quán quen thuộc từ thập niên 70s, nó cứ nhấp nhổm nhìn vào cái điện thoại di động. Điện thoại reo. Nó chụp nghe ngay và nói nhỏ gì đó. Nó nhìn tôi cười bí hiểm và nói nhỏ: Hôm nay mình đi tươi mát nghen! Hai chữ “tươi mát” làm tôi liên tưởng đến cuộc hẹn đi nhậu lẩu mắm ở bên Thủ Thiêm, nơi được xem là mát mẻ nhất hiện nay ở Thành phố. Tôi không nghi ngờ gì cả và vui lòng gật đầu. Nó hối tôi uống nhanh tách cà phê để lên xe đi đến điểm hẹn.

Chiếc xe hiệu Toyota Corolla bon bon chạy. Một tay cầm tay lái, một tay cầm điếu thuốc, nó cứ nhìn tôi và nhắc đi nhắc lại cụm từ “đi tươi mát”, làm như sợ tôi quên. Xe chạy một hồi, tôi thấy chẳng đi về hướng Thủ Thiêm mà lại quanh co trong Quận 5. Tôi bắt đầu nghi ngờ … Tám giờ đêm. Đường xá còn khá đông xe. Đến một con lộ tương đối yên tĩnh, xe dừng lại. Hai ba thanh niên ngồi đâu đó bên đường băng qua, và lăng xăng chỉ chỗ đậu xe. Địa điểm: Một căn nhà 4 tầng, giống như một căn nhà ở, vì ở ngoài hoàn toàn không có một bảng hiệu kinh doanh nào cả, thế nhưng phía trong là cả một cơ sở làm ăn đồ sộ. Chúng tôi được dẫn lên tầng số 3. Trên đường băng qua các phòng ốc, tôi thấy một rừng cô gái mặt hoa da phấn làm tôi hoa cả mắt. Cô nào cũng váy ngắn, váy dài, quần bò, quần lụa, áo thụng, hay chỉ một mảnh vải bó ngang đôi ngực để lộ tấm vai trần như muốn khoe với khách cái tươi trẻ của mình.

Chúng tôi được dẫn đến một căn phòng khoảng 4 x 3 mét. Ánh điện mờ mờ, huyền ảo, làm tôi vốn mắt yếu rất khó nhìn rõ. Khi đã quen với môi trường mờ ảo, tôi thấy trong phòng chỉ có một cái bàn duy nhất và bộ tràng kỷ (sofa) xếp vòng theo góc của căn phòng. Bàn chúng tôi ngồi đã có hai cặp nam nữ ngồi đó chắc cả giờ trước đây. Hai người đàn ông trung niên kia là bạn thương mại của thằng bạn tôi, một người là “Việt kiều” Canada. Chính hai người này đã liên lạc với nó lúc nãy. Chúng tôi bắt tay và tự giới thiệu.

Trên bàn là vài món nhậu hấp dẫn: một đĩa khô mực, một đĩa đậu phộng, một đĩa thịt giống như thịt bò nướng, và một đĩa rau xanh. Phía dưới bàn là một kết bia hiệu Tiger, với hàng chục lon lăn lóc dưới sàng nhà. Phía trước bàn là một cái ti-vi hiệu Sony khổng lồ, và hai cặp nam nữ đang say sưa ca nhạc karaoke. Bên cạnh cái ti-vi là phòng vệ sinh, gồm có toilet và cả phòng tắm. Đến bây giờ thì tôi mới hiểu hai chữ “tươi mát” mà tên bạn của tôi nói đi nói lại trước đó có nghĩa là gì: Tôi đang ở trong một quán bia ôm.

Vừa ngồi vào ghế sofa, chưa kịp định hình làm quen với môi trường mới, hai cô gái liền sa vào hai chúng tôi. Cô kia có lẽ quá quen với thằng bạn tôi nên họ vồn vã ôm nhau như cặp vợ chồng lâu ngày mới gặp lại. Cô gái ngồi cạnh tôi trông phốp pháp, tóc nhuộm màu nâu, và tuổi chỉ độ 20 là cùng. Cô ta mặc áo thun màu đen, hình như cố tình để ngực hờ hững, và chiếc váy bó sát người. Cô ta nhanh nhẹn khui bia ra mời tôi cụng li. Tôi lấy cớ đang bị cảm nên không thể uống bia nhiều được, vả lại tôi không thích bia. Cô ta làm vẻ nũng nịu nài nỉ tôi uống cho được một li. Trong khi hai cặp nam nữ kia xong phần ca hát và đang bận rộn hôn hít nhau, cô ta mời tôi ca nhạc karaoke, tôi nói tôi không biết ca. Cô ta cố nhích lại ngồi sát tôi và đứng dậy làm những động tác có vẻ vô ý nhưng kì thực là cố tình phô trương thân thể hấp dẫn của cô. Thỉnh thoảng có một bà sồn sồn đi vào và đảo mắt nhìn quanh. Hình như bà này là “giám thị”, xem xét cách phục vụ và đếm cơ số bia thì phải. Mỗi lần bà sồn sồn này đi vào, tôi thấy các cô “tiếp viên” đều tỏ vẻ sợ bà này, và tìm cách nồng nàn với khách, như kêu uống thêm bia, mời thức ăn, và nhích lại gần khách hơn nữa … Tôi thấy tội nghiệp cho các cô tiếp viên quá.

Thực ra, đây là lần đầu tiên tôi vào quán bia ôm một cách bất đắc dĩ, vì trước đây tôi chỉ nghe “bia ôm” chứ có biết trời trăng gì đâu. Tôi hơi bực mình vì cảm thấy như mình bị lừa vào đây. Nhưng nghĩ lại, tôi lại thấy đây là một dịp tốt để tôi … tìm hiểu sự tình bia ôm ra sao. Tôi bèn vận dụng kĩ năng trò chuyện với bệnh nhân để mở một cuộc phỏng vấn cô nàng ngồi cạnh tôi …

Tôi thừa lúc lai rai li bia để điều tra. Tên gì? Mỹ Kiều. Quê ở đâu? An Giang. Tại sao làm nghề này? Vì cần tiền. Gia đình có mấy anh chị em? Sáu, 3 nam và 3 nữ. Gia đình làm nghề gì? Ba má làm ruộng; hai anh đi làm mướn; các em còn đi học, một đứa đang học nghề ở Sài Gòn. Làm nghề này lâu chưa? Sáu tháng. Trước đó làm gì? Đi học. Học gì? Học cao đẳng sư phạm. Tại sao nghỉ học? Không có tiền đóng học phí và muốn có tiền giúp ba má. Chủ trả bao nhiêu một đêm tiếp khách? Khoảng 50 ngàn, nhưng khách “boa” thì nhiều hơn (nói câu này, cô ta muốn nhắc khéo là tôi phải “boa” cho cô ta). Làm nghề này (bia ôm) có cực không? Không, chỉ sợ say thôi, đêm nào cũng say. Có định làm lâu dài không? Không. Có muốn lập gia đình không? Muốn, nhưng ai tin mình đây. Muốn về quê sống không? Dứt khoát không. Tại sao? Sợ mang tiếng.

Tôi lấy cớ làm quen với hai anh bạn kia để rời cô ta. Tôi la cà lại gần anh bạn có đôi mắt buồn đang ngồi cùng một cô cũng có đôi mắt buồn buồn. Anh ta tên là T, hiện đang là giám đốc một công ti xuất nhập khẩu thực phẩm (của chính anh) và từng là giảng viên vật lí, Đại học Khoa học trước 1975. Anh có một đứa con trai đang du học ở Úc. Tôi hỏi anh có hay ghé quán bia ôm này không, thì anh cho biết đây là “quán nhà”. Anh vui miệng hỏi: “Ông mới đi bia ôm lần đầu hả?” Tôi thú nhận. “Biết ngay mà, thấy cách ngồi và điệu bộ của ông là tôi biết ngay.” Hay thiệt! Anh giảng thêm: “Đi uống bia ôm chẳng có gì là xấu cả. Lâu lâu trốn bà xã đi tươi mát chứ có gì đâu mà ghê gớm, phải không? Hồi xưa mấy ông vua khi ăn uống đều có các nàng ngồi cạnh phục vụ là một hình thức ‘bia ôm’ chứ còn gì nữa.” Tôi nói giá bia ở đây đắt quá, đi hoài chịu sao nổi? “Ối trời ơi, ông thiệt là chẳng biết gì cả. Ông đi bia ôm thường xuyên ông sẽ biết hết các ngón nghề thôi. Có thằng trúng mánh do buôn lậu, có thằng vô áp phe, có thằng đãi khách khi vô hợp đồng, đủ hết. Hôm nay tôi chiêu, mai ông chiêu, mốt thằng kia [anh chỉ tay vào anh bạn tôi] chiêu, và cứ thế ta làm đều đều. Cứ như vậy ông thấy coi, có khoản nào mà mình không đến được với nhà hàng tươi mát, quán nhậu có em út phục vụ được, phải không?” Rồi như để tỏ mình biết chuyện, anh liệt kê vanh vách hàng loạt những cái tên của các mày râu quan lớn hay đi nhậu bia ôm với anh.

Nói đoạn anh T hình như nhớ lại cô gái ngồi bên cạnh, anh quay sang hỏi: “Có đúng vậy hông cưng?” Cô nở nụ cười tươi như hoa và nói: “Dạ.” “Vậy thì nâng li thưởng cho anh bạn của anh đi!” Cô gái tự nhiên như không có ai chung quanh liền ôm chầm lấy anh T hôn một cái chụt, và quay sang tôi đòi cụng li. Cô nói: “Thay mặt nhà em, em mời anh hết li.” Anh T tiếp: Ừ, 100% đi!

Một CD với những bài hát thuộc loại nhạc sến thời trước 1975 được đưa vào máy hát. Trên màn hình là một cô gái Á châu (có lẽ là người Việt) tóc nhuộm vàng khè và một anh chàng choi choi đang đóng kịch vừa vụng về, gượng gạo, vừa rẻ tiền để minh họa cho một bài ca có tên là “Xin làm người tình”, mà chỉ nghe lời cũng đủ làm cho người ta rùng mình nổi da gà. Nếu được làm người tình / Lạc vào mắt nai tơ / Cho hồn bớt dại khờ / Nếu được làm người tình / Đùa tóc trong chiều vắng / Làm gió thoáng bồi hồi … Rồi anh T quay sang cùng cô ta say sưa hát theo lời ca trên màn ảnh.

Thằng bạn tôi lúc nào cũng đưa mắt nhìn tôi như khuyến khích “cứ tự nhiên đi!” Nhưng làm sao tự nhiên được. Tôi cũng chẳng biết phải làm gì trong khi họ đang say sưa ca hát, âu yếm nhau. Tôi cảm thấy mình chẳng những không thích hợp với cái không khí quái gở này mà còn thấy mình thừa thãi. Có lẽ cô ngồi bên cạnh và thằng bạn tôi cũng nhận ra “vấn đề” của tôi, nên chúng tôi quyết định về sớm hơn hai anh bạn kia.

Trên đường đưa tôi về nhà, thằng bạn tôi cứ phân bua hoài về chuyến đi “tươi mát”. Nó nói “bọn Việt kiều” rất thích đi bia ôm, nên nó nghĩ tôi cũng như thế. Tôi nhắc cho nó biết tôi không thích hai chữ “Việt kiều”, bởi vì tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, tôi là người Việt Nam đang sống ở nước ngoài, chứ không phải “Việt kiều”. Tôi cũng chẳng cần dấu diếm rằng tôi không thích, nếu không muốn nói là kinh tởm, cho cái trò bia ôm nhơ nhuốc như thế. Thằng bạn tôi có vẻ “hối lỗi” và hứa lần sau sẽ đi những chỗ lành mạnh hơn, nhưng thời gian tôi quá có hạn …

Song, qua chuyến đi “tươi mát” này tôi cũng có thêm vài thông tin thú vị và kinh nghiệm thực tế. Tôi tin rằng một số thông tin mà cô tiếp viên ngồi cạnh tôi và anh T cung cấp là sự thật. Dựa theo những gì tôi thăm hỏi bạn bè và qua báo chí, có thể nói phần lớn những cô gái làm nghề bia ôm ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay xuất thân từ các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là An Giang và Hậu Giang. (Hai tỉnh này cũng là nơi có nhiều cô gái lấy chồng Đài Loan). Hoàn cảnh của những cô làm nghề này thường giống nhau: không có công ăn việc làm ổn định, đường chồng con trắc trở, gia đình nghèo khó, v.v… nên phải lặn lội lên thành phố làm những nghề buôn hương bán phấn như thế. Tôi còn nghe nói có nhiều cô thậm chí còn đi ra tận ngoài Bắc và các tỉnh gần biên giới Trung Quốc để kiếm tiền bằng nghề bia ôm!

Trong khi các cô làm nghề bia ôm xuất thân từ cảnh nghèo nàn, thì khách hàng (hay thân chủ) là những người có tiền, có đồng ra đồng vô. Nếu không có tiền thì làm gì có khả năng để tiêu ra cả một trăm Mĩ kim mỗi lần đi bia ôm! Nhiều thân chủ là quan chức, cán bộ cao cấp đi mua vui sau giờ làm việc. Đối với những người này, chi tiêu ra một triệu đồng một chuyến đi “tươi mát” như thế là chuyện bình thường, là một hình thức chiêu đãi bạn bè, đối tác thương mại.

Mục tiêu của các quán bia ôm rất đơn giản: bán bia nhiều và làm tiền. Và, để thực hiện mục tiêu này, thủ thuật của các cô tiếp viên bia ôm là phải luôn luôn tỏ ra có duyên, nũng nịu chìu khách, nhiệt tình mời khách uống càng nhiều bia càng tốt. Thậm chí khi khách say, các cô có thể sẽ đánh tráo bia thành chai nước lạnh, hoặc khui bia đổ, bỏ lon thêm vào bàn nhậu để tính thêm tiền. Giá bia (loại trung bình) ở đây lên đến 10.000 đồng/chai, trong khi ở ngoài giá chỉ phân nửa hay 6000 đồng/chai. Do đó, chủ có lời, mà các cô cũng có lợi. Rồi các cô còn được tiền boa, tiền bồ nhí, tiền chi chi đó nếu như khách hào hoa phong nhã sẵn sàng mở hầu bao để tỏ ra ta là dân ăn chơi không sợ hết tiền, chỉ ngại các cô không hết lòng phục vụ thôi. Có cô còn phục vụ một cách cởi mở nữa. Xin bạn đọc hiểu cho “cởi mở” ở đây đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: tâm tình, trao đổi, chuyện trò để cởi mở tâm hồn; và nếu khách muốn, các cô cũng sẵn sàng cởi mở cả thể xác theo nhiều dạng khác nhau, miễn sao khách vừa lòng và các cô có tiền là được.

Thành ra, quán bia ôm là một hình thức kinh doanh (nếu cho đó là “kinh doanh”) có lời nhiều nhất mà đầu tư thì chẳng bao nhiêu. Các quán bia ôm mọc lên như nấm, như một cơn dịch lan rộng ra khắp nơi trên cả nước. Thực vậy, không những chỉ ở Thành phố, mà ngay cả ở những vùng xa xôi như xã Vĩnh Trinh thuộc tỉnh Hậu Giang cũng có bia ôm. (Cần nói thêm rằng Vĩnh Trinh là nơi khét tiếng về bia ôm và tệ nạn xã hội). Ở đây, hàng ngày, khoảng 10 giờ đêm trở đi, các quán bia ôm hoạt động gần như công khai, thân chủ và các cô tự nhiên ôm nhau ngay bên lề đường trong khi xe chạy ngang bỏ lại cát bụi mù mịt …

Do tính cách phi pháp của nó, các quán này thường núp dưới nhiều doanh nghiệp khác nhau. Do đó, chỉ có những “thổ công” mới biết những địa điểm này. Điều đáng nói là không phải chỉ có người dân thường mở quán bia ôm, mà ngay cả cán bộ cũng làm chủ loại “doanh nghiệp” tai tiếng này.

Ở các vùng quê, bia ôm là tiềm tàng dẫn đến nhưng tai họa xã hội khó lường trước được. Anh tài xế chở tôi từ Thành phố Hồ Chí Minh về Rạch Giá nhận xét rằng thanh niên miền Tây Nam bộ ngày nay có vẻ “hư” hơn thanh niên miền Trung và miền Bắc. Tại sao? Vì, theo anh, bia ôm. Trên thực tế, bia ôm đang hàng ngày phá vỡ mối quan hệ gia đình, làm tha hóa đạo đức, thuần phong mĩ tục của dân làng, tác động xấu đến giới trẻ mới lớn. Nếu tham nhũng và buôn lậu là một “quốc nạn” thì bia ôm là mầm móng cho tham nhũng. Nhà nước không thể và không nên xem nhẹ tác hại của bia ôm

0 comments:

Đăng nhận xét

Người theo dõi