“Người tình” của “net đêm” và hậu quả

Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2009 |


Khi người mẹ gầy ngày đêm chống chọi với căn bệnh ung thư, Thảo vẫn mặc, đắm chìm trong "net đêm". Bên cạnh việc chăm người mẹ, gia đình lại phải chia nhau đi tìm "kẻ đã bỏ đi" mà họ không thể bỏ.  



Hứa sẽ thay đổi...
Trần Thị Thảo (SN 1991, trú tại Từ Liêm, Hà Nội) là con út trong một gia đình đông anh em. Bố mẹ làm kinh doanh ngay mặt đường 32. Với tư chất thông minh, từ mẫu giáo đến lớp 8, Thảo luôn có kết quả học tập tốt, cũng rất ngoan hiền. Thậm chí, gia đình từng kỳ vọng sau này Thảo sẽ là người đỗ đạt hơn các anh chị.
Lên lớp 9, Thảo bắt đầu có biểu hiện đi học về muộn. Nghĩ là cuối cấp học hành nhiều, gia đình cũng chỉ nhắc nhở rồi cho qua. Nhưng những lần sau, Thảo về muộn cả buổi chiều, hoặc đến đêm mới về. Gia đình theo dõi và phát hiện: Thảo đã "nghiện" game Audition và có sự thay đổi tâm tính.
"Mấy đứa bạn em nó dạy chơi, lên đó nhiều bạn bè. Mỗi lần "nhảy" em không để ý giờ nên thường xuyên về muộn", Thảo kể lại.
Kể cả khi trong túi không có tiền, Thảo vẫn vào quán "net" chơi cho đến đêm, hoặc qua đêm. Cắm xe đạp, hoặc ngồi nghe chủ quán chửi vì tội không có tiền vẫn chơi là chuyện thường với Thảo. Bên cạnh những lời uốn nắn là những trận đòn "thừa sống thiếu chết". Thậm chí khi anh trai dọa chặt bỏ những ngón tay chỉ biết chơi game, Thảo đã van xin thảm thiết, hứa sẽ thay đổi. Và những trận đòn về sau, Thảo cũng lại... hứa. Đòn roi đã không còn tác dụng...
Thành "người tình" của "net đêm"



Ảnh minh họa / Internet
Người mẹ bệnh tật đau đớn, nhưng không thể nằm, ngày đêm chỉ ngồi thu lu ở góc giường. Mỗi lần nhìn Thảo khi anh chị đi "bắt" ở quán "net" về, trong ánh mắt người mẹ nỗi đau về tinh thần thêm lần nữa dày vò tấm thân héo hon. Khi Thảo quen mùi "net đêm" đến hôm sau mới về, người mẹ vẫn nhắc anh chị: "Em nó dại, các con lựa lời dạy, đừng đánh nó tội lắm...".
Trong tâm trí Thảo chỉ tồn tại thế giới ảo của "net" cùng những "người yêu", "chồng yêu" và những người bạn trong hoang tưởng. Thảo đi, về nhà như cái bóng. Mẹ kêu đau, Thảo vẫn mặc, không lời hỏi thăm.
Người mẹ nằm viện, cả gia đình theo chăm sóc. Còn Thảo thì dạt nhà cả tuần vật vạ ở các quán "net". Không có tiền, chiêu "ì mặt nghe chửi" chỉ áp dụng được 1 - 2 lần tại mỗi quán "net", Thảo đổi quán liên tục. Những quán "net" ở xã Minh Khai, xã Phú Diễn, xã Mỹ Đình (huyện Từ Liêm), phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) nhẵn mặt Thảo.
Khi người mẹ ra đi, những câu nói cuối cùng vẫn là những lo lắng về Thảo. Còn Thảo, vẫn "chìm" trong "net". "Nhiều người nói rằng nó coi như đồ bỏ đi, nhưng dù sao vẫn là máu mủ, ruột thịt, bỏ sao đành", chị gái Thảo ngậm ngùi.
Lên lớp 10, Thảo vẫn thường xuyên bỏ nhà đi "net đêm". Gia đình cho nghỉ học, đưa Thảo về quê thay đổi môi trường sống. Nhưng một tháng sau, Thảo đã quen và có thể chơi chịu ở bất kỳ quán "net" nào. Ông bà, chú bác ở quê "choáng" trước đứa cháu gái ương bướng, hay đi đêm. Thậm chí, để có tiền, Thảo vay hết người này đến người khác. Thậm chí Thảo còn trộm tiền để đi gặp cậu bạn trong thế giới "net". Đêm hôm đó, Thảo không về nhà.
Năm 2009, kinh tế gia đình đi xuống, nhà cửa sắp mất, nhưng Thảo không quan tâm. Thảo như lạc vào mê cung không lối thoát của thế giới "net".
Chị gái Thảo chua chát: "Tôi ước gì trên đất nước này không còn những quán "net đêm". Em tôi sai, nhưng nếu các cửa hàng này không mở cả đêm thì em tôi sẽ không bỏ nhà đi, sẽ không "nghiện ngập" như thế".
(Tên nhân vật được thay đổi)  

Theo Pháp Luật Xã Hội

0 comments:

Đăng nhận xét

Người theo dõi