Làm việc với đồng nghiệp "đồng bóng"

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2009 |

Tại công sở, phải làm việc với một đồng nghiệp “đồng bóng” sẽ khiến bạn đôi lúc muốn nổi khùng và chán nản với công việc. Tuy nhiên để có thể hợp tác được với những nhân viên “sáng nắng chiều mưa” như thế này cũng không phải là một việc quá phức tạp...

 Làm việc với đồng nghiệp "đồng bóng"
Để có thể cùng làm việc được với những đồng nghiệp “đồng bóng” cũng không có gì là khó khăn...

Biết chấp nhận và luôn giữ một thái độ ôn hòa trong mọi hoàn cảnh không những giúp bạn hoàn thành tốt công việc của mình mà còn giữ được mối quan hệ tốt với những đồng nghiệp này.
1. Những người nóng tính
Thanh Hải là đồng nghiệp cùng phòng của Mai Hoa, cả hai cùng đang thực hiện một dự án do cấp trên giao phó. Khi nhận được thông tin này, Mai Hoa đã cảm thấy vô cùng chán nản và thất vọng vì từ lâu Thanh Hải đã được gán cho biệt danh Hải “đồng bóng” vì tính khí thất thường và hay nổi cáu của mình.
Có thể vì một chuyện rất nhỏ nhặt nhưng Hải sẵn sàng “hóa phép” để nó trở thành những vụ việc mà theo cô là vô cùng phức tạp rồi nổi cáu và quát tháo. Rất nhiều lần đồng nghiệp đã nhắc nhở Hải nên tiết chế sự nóng giận vô cớ của mình, mặc dù cô đã hứa sửa chữa nhưng dường như mọi việc đâu lại hoàn đấy. Sau này thì mọi người trong phòng cũng không còn ai muốn đóng góp ý kiến với Hải nữa, họ cũng không muốn tiếp xúc nhiều với cô, trừ phi công việc bắt buộc. Vì thế Hải ngày càng bị xa lánh, tính khí của cô cũng trở nên khó chịu hơn.
Khi Mai Hoa nhận được quyết định làm dự án cùng Thanh Hải, cô cảm thấy rất thất vọng. Tuy nhiên, nếu xét về mặt công việc, Hải là một nhân viên có năng lực và làm việc rất hiệu quả. Vì thế để làm được việc với Hải, Hoa đã phải học cách để nhẫn nhịn và im lặng. Trong thời gian làm việc cùng, nhiều khi đồng nghiệp chỉ nghe thấy tiếng quát của Hải nhưng không hề nghe thấy tiếng đáp trả hay sự tức giận từ Mai Hoa. Những lúc như vậy, Hoa đều đứng dậy nói với Hải: “Chị hãy bình tĩnh lại đi, tôi ra nhà vệ sinh, một lát nữa chúng ta sẽ làm việc tiếp”. Những lúc như vậy, Hải biết là mình quá đáng, khoảng 10 phút sau khi Hoa quay lại thì hai người đã lấy lại được sự bình tĩnh và tiếp tục làm việc.
Sự bình tĩnh của Hoa khiến nhiều người lấy làm ngạc nhiên vì sao cô có thể chịu được một người nóng tính như vậy. Hoa chỉ mỉm cười đáp: “Thực ra, chị Hải là một người tốt, tuy nhiên lại quá nóng tính. Hai cái đầu nóng thì chỉ có thể gây ra hỏa hoạn chứ không thể làm việc cùng nhau được. Những lúc như vậy, mặc dù rất tức giận nhưng tôi vẫn phải luôn bình tĩnh để nghĩ đến hiệu quả công việc. Sau nhiều lần tôi ‘đi nhà vệ sinh’ thì chị Hải cũng hiểu được sự nóng giận vô cớ của mình. Vì thế, sau vài ngày thì dường như sự nóng tính của chị giảm đi nhiều. Có lần, khi tôi đứng dậy và nói câu quen thuộc thì chị bỗng cười to: ‘Thôi, để tôi ra đấy, cô đi ra đó mãi mà không thấy chán à?’. Khi này, hai chị em bỗng nhìn nhau rồi cười rất sảng khoái. Mọi người thấy đấy, kết quả công việc rất khả quan, tôi và chị Hải cũng hiểu nhau nhiều hơn và chị cũng không còn nóng tính như trước đây nữa”.
Chỉ với một thái độ bình tĩnh và dành thời gian cho đối phương kiềm chế cơn nóng giận, Mai Hoa đã có được một đồng nghiệp tốt và làm việc hiệu quả, ăn ý. Mọi người trong phòng dần dần cũng học theo được tinh thần này của Mai Hoa khi giải quyết bất cứ công việc gì.
Làm việc với đồng nghiệp "đồng bóng", Bạn trẻ - Cuộc sống, Làm việc, đồng nghiệp
Biết chấp nhận và luôn giữ một thái độ ôn hòa trong mọi hoàn cảnh... (Ảnh minh hoạ)
2. Những người không giữ lời hứa
Trong phòng làm việc của Loan có một đồng nghiệp rất được chị em tin cậy, đó là Ngọc, một “thầy bói” của phòng. Do đọc nhiều sách tử vi và những sách dạy về đoán tính cách và sự nghiệp con người qua khuôn mặt nên Ngọc có thể nói một số đặc tính của bất kỳ ai đó chỉ qua một lần gặp. Vì khả năng khá đặc biệt này nên nhân viên trong phòng rất tin tưởng vào con mắt nhìn đời, nhìn người của Ngọc.
“Xem cho em hôm nay có điều gì đặc biệt không chị?”… “Từ sáng tới giờ em máy mắt trái liên tục, không biết có việc gì không, bác xem cho em với” hay “Tuần này em về quê làm giỗ ông bố chồng, cần mua những lễ gì hả bác?”.. Những vấn đề tâm linh tưởng chừng chỉ có thể hỏi ở những nơi “thầy đồng, cô đồng” thì mọi người có thể trực tiếp hỏi được Ngọc. Và đương nhiên, vì là đồng nghiệp nên Ngọc luôn sẵn sàng trả lời và bày cách để đồng nghiệp của mình có thể thực hiện một cách tốt nhất.
Có thể mọi việc vẫn sẽ tốt đẹp khi Loan thấy mấy đồng nghiệp xì xào về chuyện gia đình của mình. Chả là chồng cô dạo này làm ăn không được “xuôi chèo mát mái” nên Loan đã kể cho Ngọc mong nghe được lời tư vấn. Chuyện gia đình Loan đang gặp khó khăn trong công ty chỉ có mình Ngọc biết, Loan không hề kể với người thứ hai vì cô nghĩ: “Ai dại vén áo cho người xem lưng”. ‘Ngọc cũng đã hứa là sẽ không tiết lộ thông tin này, vậy mà sao mọi người lại bàn tán nhỉ?’. Đem thắc mắc này hỏi Ngọc, câu trả lời mà Loan nhận được là: “Trong lúc ‘trà dư tửu hậu’ chị trót  lỡ mồm với mấy đứa”. Lần này Loan đã biết được bản chất của Ngọc và cô tự nói với mình rằng: “Không thể đem chuyện gia đình để kể hết với mấy bà đồng bóng này được, bài học nhãn tiền để lần sau rút kinh nghiệm”.
Sau câu chuyện của Loan, bài học rút ra là bạn không nên đem những chuyện riêng tư của gia đình để kể cho đồng nghiệp, trừ phi đó là một người đặc biệt. Có thể khi mối quan hệ giữa hai người bình thường thì sẽ không có chuyện gì xảy ra, nhưng nếu có khúc mắc thì chắc chắn những thông tin này của bạn sẽ được truyền tai đến nhiều người.
Làm việc với đồng nghiệp "đồng bóng", Bạn trẻ - Cuộc sống, Làm việc, đồng nghiệp
Hãy luôn giữ cho mình một tác phong làm việc nhanh nhẹn và tự tin... (Ảnh minh hoạ)
3. Những người hay soi mói
Có đôi khi trong công việc, bạn sẽ bắt gặp những ánh mắt dò xét hoặc kiểm tra của đồng nghiệp hay của cấp trên. Đương nhiên, câu hỏi được nêu ra khi gặp phải những ánh mắt này: “Liệu họ dò xét mình thế là do yêu cầu của công việc hay còn có một nguyên nhân khác?”
Ban đầu, bạn sẽ khó chịu về những ánh mắt đi theo bạn mọi nơi, mọi chỗ tại nơi làm việc. Nếu đó là yêu cầu của công việc thì bạn cũng không nên thắc mắc vì cấp trên muốn kiểm tra xem bạn làm việc như thế nào, có hiệu quả hay không? Tuy nhiên nếu bạn cảm thấy quá ức chế hoặc không thoải mái với những hành động như thế này thì có thể trực tiếp gặp cấp trên để nói lên ý kiến của mình: “Tôi sẽ làm tốt mọi việc, ông (bà) không cần phải kiểm tra quá kỹ càng như thế”.
Còn nếu như hành động soi mói này bắt nguồn từ sự đố kỵ và ghen ghét từ đồng nghiệp thì bạn cần có một biện pháp giải quyết khác. Bạn có thể nói chuyện trực tiếp để hỏi nguyên nhân cũng như tìm biện pháp để giải quyết. Nếu đó chỉ là những ánh mắt đố kỵ hoặc ghen ghét thì bạn không cần để ý làm gì. Chỉ cần làm tốt công việc của mình được giao và hòa đồng với mọi người thì những ánh mắt đó cũng sẽ không còn nữa. Hãy luôn giữ cho mình một tác phong làm việc nhanh nhẹn và tự tin, bạn sẽ có nhiều việc để làm hơn là để ý đến ánh mắt của người khác.
Vậy đấy, để có thể cùng làm việc được với những đồng nghiệp “đồng bóng” cũng  không có gì là khó khăn. Quan trọng là bạn sẵn sàng chấp nhận và luôn vui vẻ làm việc với những vị đồng nghiệp khó chịu này

0 comments:

Đăng nhận xét

Người theo dõi