Máy tính lúc nào cũng nóng “hừng hực”, nick YM, Facebook sáng đêm ngày, cập nhật không sót 1 thông tin trên twitter, nhiều teen đang dần “chết chìm” trên mạng mà không hay.
“Chết chìm” trong thế giới ảo
“Chết chìm” trong thế giới ảo
Thời tiết mùa hè nóng nực khiến tất cả mọi người đều ngại đi ra ngoài, chưa kể đến việc “có đi cũng chẳng có chỗ mà chơi” (theo lời nhiều teen than vãn) khiến việc ở nhà online là lựa chọn duy nhất và không thể thay thế. Vì “chỉ cần vào mạng là có vô số trò để chơi” - Thành (15t) nói.
Internet luôn là cái “kho” vô tận “thâu tóm” cả thế giới chỉ trong vài cú click chuột. Tuy nhiên nhiều bạn đã không phân biệt được ranh giới giữa thực và ảo, khiến cho mình bị “đắm chìm”, không có cách thoát ra khỏi những hình ảnh hào nhoáng, những game miễn phí v.v… nhan nhản trên mạng.
Mẹ Thành tâm sự: “Từ khi được nghỉ hè đến giờ người nó lúc nào cũng dính chặt lấy cái máy vi tính. Nó ăn, ngủ ngay cạnh cái máy vi tính. Dù có nói rát họng nó cũng chẳng bao giờ nó chịu nhúc nhích. Chắc chỉ thiếu nước là nó vệ sinh ngay tại chỗ thôi. Nhưng cũng chẳng dám cắt mạng vì nếu không nó lại đi ra ngoài hàng. Mà như thế thì có trời mới quản lý nổi nên thà để nó ngồi lỳ ở nhà còn hơn”. Online, chơi game quá nhiều khiến cho Thành trở nên “ngơ ngơ”, rất ngại phải “động chân động tay” và đi ra ngoài. Phòng ngủ của Thành cũng trở nên luộm thuộm, bẩn thỉu và bốc mùi khiến không ai dám đặt chân vào trừ mẹ Thành.
Không phải là một “tín đồ” trung thành với game như Thành mà chỉ “tập tọng” chơi game trên facebook để giết thời gian, Dương (16t) cũng dần dần bị những game dễ chơi, màu mè rất hợp với con gái này cuốn hút. Ngày nào không vào chơi là Dương bứt rứt không thể chịu được. Hết chơi game, Dương lại vào hết báo này sang báo khác đọc các tin tức “giật gân”, “lượn” qua youtube xem các clip mới. Thời gian nghỉ hè cứ thế trôi qua vèo vèo, những kế hoạch Dương đã lập cho mình trước khi nghỉ hè như đi học thêm tiếng anh, tập võ, tập bơi chẳng bao giờ được thực hiện.
Còn Hằng (14t) kể từ khi nghỉ hè đến giờ suốt ngày chỉ biết làm một việc duy nhất là vào chat chit để than thở về việc “bố mẹ không cho đi nghỉ hè ở đâu lại còn bắt về quê, không có quần áo đẹp để mặc, mẹ không cho ép tóc, không ai cho tiền tiêu vặt v.v...”. Hằng lúc nào cũng có cảm giác bị bố mẹ không quan tâm, bỏ rơi và ghen tị với mọi người. Nhưng những điều đó Hằng chẳng bao giờ nói với bố mẹ hay người thân xung quanh mình mà chỉ sống trong những lời “ve vuốt” của những người bạn ảo trên mạng.
Đừng đánh mất cơ hội của chính mình chỉ vì những trò giải trí trên mạng teen nhé (Ảnh minh hoạ)
Hãy quay lại cuộc sống thực!
Liệu bạn bao giờ nhận ra cuộc sống của mình cũng đang ngày một trở nên “ảo” hơn và dần biến thành điều xấu xí trước mắt những người khác? Ngày đêm luyện game, trong khi nhân vật của mình lên level liên tục thì ngoài đời bạn trở nên ốm o, gầy gò, xanh xao. Rất nhiều teen còn coi game online như cuộc sống của mình, lấy tiền thực để đi mua đồ ảo. Chắc hẳn mọi người không xa lạ gì với những thông tin đấu giá các đồ vật ảo trong game online: một chiếc nhẫn có trị giá 251 triệu đồng, 1 chiếc bảo đao có giá 500 triệu đồng v.v… Số tiền ấy nếu được được sử dụng có ích có thể thay đổi cuộc đời của rất nhiều con người giúp đỡ họ có cơ hội học hành hay chữa bệnh.
Không biết đã có bao nhiêu vụ giết người, cướp của dã man xảy ra mà thủ phạm là những teen mê chơi game. Nhiễm thói bạo lực từ trong các game, teen trở thành những tên giết người máu lạnh sẵn sàng “xuống tay” với những người thân của mình chỉ để kiếm một vài chục hay 1, 2 triệu để trả tiền chơi game, mua thẻ nạp tiền. Và cũng có không ít những vụ “dạt nhà”, trộm cắp của những teengirl chỉ vì mê online chat chit, phụ thuộc quá nhiều vào những giá trị ảo trên mạng. Chỉ mới 14, 15 tuổi những bạn gái này dễ dàng trở thành “miếng mồi” cho những kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo.
Những thông tin này xuất hiện ngày một nhiều trên các báo khiến cho mọi người không khỏi bàng hoàng: Đạo đức của của một bộ phận teen Việt Nam đang ngày một đi xuống hay là các game online, việc sử dụng internet không có kiểm soát đang dần hủy hoại cuộc sống, tương lại của một thế hệ dưới vỏ bọc “giải trí”?.
Đừng đánh mất cơ hội của chính mình chỉ vì những trò giải trí trên mạng, hãy tự sống cuộc đời thực và đừng “chết chìm” trên mạng, teen nhé!
0 comments:
Đăng nhận xét